Tin địa phương

Nhà xe kêu trời vì bến Đà Nẵng tận thu “hoa hồng bán vé”

Phản ánh đến Báo Giao thông, tập thể nhà xe cố định Đà Nẵng-Huế bày tỏ bức xúc vì bị Bến xe Đà Nẵng "tận thu" phí hoa hồng bán vé phi lý, dù rất ít khách lên xe và mua vé...

Cận Tết, xe khách cố định Đà Nẵng-Huế xuất bến chỉ vài ba khách nhưng bị BXTT Đà Nẵng tính phí dịch vụ bán vé cho 75% số ghế trên xe. Ảnh XH

"Xe rỗng" xuất bến vẫn bị tính phí bán vé

Theo đó, tính riêng 38 nhà xe cố định Đà Nẵng-Huế thuộc 6 đơn vị vận tải, chỉ có 3 nốt tài (7h30, 8h30, 9h30) của Công ty CP Xe khách và DVTM Đà Nẵng (Danatranco) được tổ chức bán vé tại quầy vé của đơn vị này. Còn lại tất cả các đầu xe khác của các đơn vị vận tải phải ký kết ủy thác cho Bến xe Trung tâm Đà Nẵng (BXTT, Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng) tổ chức bán vé và chịu phí “dịch vụ đại lý bán vé”.

Tuy nhiên, thay vì tính "hoa hồng" trên số vé bán ra thực tế, BXTT Đà Nẵng lại áp cơ chế tính phí hoa hồng bán vé đổ đồng với mức tối thiểu 75% tổng số ghế mỗi xe khi làm lệnh xuất bến.

Ông H. chủ một xe cố định Đà Nẵng-Huế cho biết: xe khách trên tuyến có 29 ghế. Nhưng ngay những ngày cao điểm cận Tết như hiện nay cũng chỉ có vài ba khách lên xe tại Bến, lấy đâu ra lượng khách đầy đến 75% số ghế. Chưa kể thực tế chẳng mấy khách hỏi mua vé.

Chỉ có 3 nốt tài tuyến Đà Nẵng-Huế của Danatranco được bán tại đại lý vé của đơn vị này


Trong khi các HTX khác phải ký kết ủy thác cho BXTT Đà Nẵng bán vé với mức lợi nhuận khổng lồ

Theo chân ông H. làm thủ tục xuất BXTT Đà Nẵng tại phòng Điều độ, nhân viên tại đây chỉ cần ghi số xe, số tài và xuất luôn hóa đơn kiêm lệnh xuất bến với tổng số tiền 160.000 đồng. Trong đó, phí “dịch vụ đại lý bán vé” đến 45.455 đồng (chưa thuế VAT), dù xe này không có khách nào đến hỏi mua vé tại Đại lý ủy thác của BXTT Đà Nẵng và trên xe cũng chỉ có 2 khách.

Đáng nói, quan sát của PV, việc mua vé xe cố định tuyến Đà Nẵng-Huế không dễ dàng. Thay vì đặt đại lý tại khu bán vé tập trung để dễ nhận diện, BXTT Đà Nẵng lại đặt ngay ở khu Điều độ vốn chỉ dành cho các nhà xe làm thủ tục xuất bến; và chỉ bán vé “tận tay” cho hành khách, không cho tài xế/phụ xe mua hộ…

“Bến lấy lí do ngăn nhà xe chúng tôi gom vé để giữ chỗ nên không cho mua trực tiếp, gây khó dễ trong việc mua vé. Nhưng thực tế nhiều năm gần đây xe xuất bến làm gì có khách. Ngày nào xuất bến được 5-7 khách lên xe là mừng lắm rồi. Chẳng thấy ai mua vé nhưng chuyến nào xuất bến Đà Nẵng cũng phải è cổ đóng đến 40.000-50.000 đồng/phí dịch vụ đại lý vé (tùy theo giá vé tăng giảm dịp Tết) là hết sức phi lý ”, bà K. một chủ xe tuyến cố định Đà Nẵng-Huế nói.

Theo các nhà xe này, cùng trên tuyến khai thác nhưng ở đầu bến P.Nam TP. Huế không tính phí hoa hồng trên tổng số ghế mỗi xe mà chỉ tính phụ phí thêm chừng chục ngàn đồng. Tổng lệ phí xuất bến Huế cũng chỉ gần 100.000 đồng/lượt, bằng 2/3 so với bến Đà Nẵng.

So sánh các xe cố định Đà Nẵng-Huế được bán vé trực tiếp


Với chi phí "dịch vụ đại lý bán vé" của các xe phải ủy thác cho BXTT Đà Nẵng bán vé... sẽ thấy mức thu này hết sức phi lý


Siêu lợi nhuận, thu không trăm triệu/tháng

Làm việc với PV, bà Phan Thị Ngọc Lan- Giám đốc Xí nghiệp BXTT Đà Nẵng xác nhận có tình trạng lượng khách trên tuyến cố định Đà Nẵng-Huế và ngược lại giảm sút do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, bến vẫn áp dụng quy chế tính phí hoa hồng bán vé trên 75% tổng số ghế vì được ký kết giữa các bên. Phí hoa hồng ấn định mức 5% trên giá vé (ngày thường 60.000 đồng/vé, ngày Tết tăng lên 70.000 đồng/vé-NV)

Thống kê, mỗi ngày có đến 54 lượt xe tuyến cố định Đà Nẵng-Huế và ngược lại xuất bến Đà Nẵng. Theo đó, với cơ chế “tận thu” dịch vụ bán vé tại đây, BXTT Đà Nẵng nghiễm nhiên tính phí hoa hồng trên tổng số hơn 1.100 vé/ngày (tương đương 75% tổng số ghế của 51 xe loại 29 chỗ xuất bến, trừ 3 xe được Danatranco tổ chức bán vé tại đại lý của mình-PV); và thu về “lợi nhuận khổng lồ” hơn 3,3 triệu đồng- 3,8 triệu đồng/ngày tiền hoa hồng bán vé (tùy theo giá vé).

Thực tế rất hiếm vé xe được ra tại Đại lý của BXTT Đà Nẵng, nhưng đại lý này đạt mức thu cả trăm triệu/tháng nhờ cơ chế đổ đồng, tận thu. Ảnh XH


Như thế, chỉ tính riêng tiền dịch vụ bán vé cho tuyến cố định Đà Nẵng-Huế và ngược lại, mỗi tháng “đại lý” bán vé của BXTT Đà Nẵng thu cả trăm triệu đồng. Đây được xem là "mức siêu lợi nhuận" và gấp 5-7 lần so với chi phí tổ chức một quầy đại lý bán vé tại BXTT Đà Nẵng.

Theo các đơn vị vận tải, hiện BXTT Đà Nẵng cho thuê các quầy vé mức 7 triệu đồng/tháng. Tính trung bình, các doanh nghiệp vận tải mất chi phí duy trì đại lý bán vé chừng 15 triệu đồng/tháng (thuê mặt bằng, nhân viên bán vé).

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Văn Tùng, Giám đốc HTX dịch vụ Hải Vân (đơn vị có 20 đầu xe tuyến cố định Đà Nẵng-Huế) cho biết: từ lâu của các nhà xe cố định trên tuyến đã phản ánh thực trạng này. Đơn vị đã kiến nghị với lãnh đạo Bến nhưng chưa được bến giải quyết thấu đáo.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: đang yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra, báo cáo cụ thể về cơ chế “tận thu dịch vụ bán vé” này và có hướng xử lý cụ thể.

Tác giả: Nhóm PV VPMT

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP