Tin địa phương

Người nước ngoài "nắm" nhiều lô đất gần biển

Người Trung Quốc đã dùng hình thức mua cổ phần, góp vốn với người Việt Nam rồi sau nhận chuyển nhượng ở khu vực dự án đô thị dọc sân bay Nước Mặn (TP Đà Nẵng)

Chiều tối 20-9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng đã có thông cáo báo chí liên quan đến việc người Trung Quốc sở hữu 21 lô đất ở khu vực dự án đô thị dọc sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Thông cáo khẳng định sở không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt "sổ đỏ") cho bất kỳ cá nhân nào là người nước ngoài.

Nhờ người Việt đứng tên, góp vốn

Tuy nhiên, Sở TN-MT cũng thừa nhận qua rà soát có 2 doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài mà cụ thể là người Trung Quốc. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, cho biết sở dĩ có tình trạng trên là do trước đây, mảnh đất được cấp sổ đỏ cho người Việt nhưng qua quá trình khai thác, sử dụng, người Trung Quốc đã dùng hình thức mua cổ phần, hoặc góp vốn để sau đó nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Doanh nghiệp thứ nhất liên quan đến 1 lô đất rộng 20 ha là Công ty Liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt. Trong đó, bên Việt Nam là Công ty CP Hoàng Đạt góp vốn 10%, bên nước ngoài là Công ty TNHH Silver Shoes, có trụ sở tại Mỹ, do ông Sui Gui Nan, quốc tịch Trung Quốc đại diện, góp 90% vốn. Công ty này được UBND TP cho thuê 20 ha đất làm cơ sở sản xuất - kinh doanh, thời hạn cho thuê 50 năm (đến ngày 21-6-2056), tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.

Khu đất được TP Đà Nẵng cho Công ty Liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt thuê 50 năm Ảnh: BÍCH VÂN

20 lô đất còn lại là dự án biệt thự dọc tường rào sân bay Nước Mặn. Các lô đất này trước đây TP bán đấu giá và giao đất hoàn toàn cho cá nhân, tổ chức trong nước. Sau khi được cấp sổ đỏ, các cá nhân và tổ chức này đã bán cho Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ V.N.Holiday. Đây là doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị phần vốn góp 48% (do cá nhân là Li Jin An, đăng ký hộ khẩu thường trú tại Trung Quốc, góp vốn).

Ông Hùng cho biết trên sổ đỏ, mặt trước đề tên người Việt Nam, trong phần ghi chú chuyển nhượng đứng tên công ty có vốn do người Trung Quốc góp. "Hoàn toàn không có chuyện người Trung Quốc đứng tên trên sổ đỏ" - ông Hùng khẳng định.

Giải thích thêm, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP, cho hay đối với 20 trường hợp bất động sản còn lại là được doanh nghiệp trong nước đăng ký sổ đỏ. Các doanh nghiệp này có cổ phần của người nước ngoài. "Tuy nhiên, những người nước ngoài trên không có đủ cổ phần để nắm quyền chi phối theo quy định của pháp luật Việt Nam vì doanh nghiệp trong nước chiếm trên 51% cổ phần" - ông Vinh nói.

Góp vốn, thoái vốn

Trước đó, Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh tình trạng người nước ngoài, trong đó có nhiều người Trung Quốc có dấu hiệu gom đất thông qua việc người Việt đứng tên, tình trạng lao động chui tràn lan, người nước ngoài góp vốn để lao động chui ở Khánh Hòa.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra. Qua đó phát hiện 5 vị trí đất có yếu tố người nước ngoài gồm 2 khu đất ở huyện Vạn Ninh, 2 khu đất ở TP Cam Ranh và 1 khu đất ở thị xã Ninh Hòa. Công an tỉnh Khánh Hòa, UBND TP Cam Ranh và huyện Vạn Ninh đã tiến hành xác minh, xử lý theo thẩm quyền đối với 4 vị trí đất có yếu tố người nước ngoài.

Ngày 20-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa cho biết riêng khu đất có yếu tố người nước ngoài ở thị xã Ninh Hòa, Thanh tra sở đã xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Sơn Hải về hành vi cho thuê tài sản và yêu cầu chấm dứt việc cho thuê tài sản không đúng quy định.

Mới đây, nhiều thông tin cho thấy Công ty CP Địa ốc - Du lịch Đông Hải, chủ đầu tư dự án khách sạn Sheraton Nha Trang, đã thay đổi chủ sở hữu. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật là ông Christophe Jean Francois Lajus thay thế ông Kelly Yin Hong Wong giữ vai trò người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc công ty. Ông Christophe Jean Francois Lajus đăng ký hộ khẩu thường trú tại Thượng Hải, Trung Quốc và có thêm quốc tịch Pháp. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa xác nhận thông tin trên. Khi phóng viên đặt vấn đề có hay không người Trung Quốc mượn người Việt đứng tên mua đất, lập dự án, sau đó người Việt thoái vốn, đại diện sở này khẳng định: "Việc đầu tư liên quan đến yếu tố nước ngoài hiện được rà soát rất chặt chẽ. Hiện chưa có tình trạng như vậy".

Cần có biện pháp ngăn chặn

Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, đánh giá: Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, người nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một số trường hợp, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam nhưng cũng bị giới hạn là căn hộ chung cư hoặc nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép bán cho người nước ngoài.

"Việc người Trung Quốc bỏ tiền ra nhờ người Việt là ông A. mua đất. Sau đó, ông A. này góp vốn vào doanh nghiệp (có người Trung Quốc góp vốn) và quyền sử dụng đất trở thành tài sản của doanh nghiệp này. Sau đó, ông A. chuyển nhượng hết vốn góp cho người Trung Quốc. Đây là một hình thức lách luật mà chúng ta cũng cần lưu ý" - luật sư Cao nói.

Ông Cao phân tích thêm: Quyền sử dụng đất trong trường hợp này thực chất thuộc quyền của doanh nghiệp và nguy hiểm ở chỗ doanh nghiệp đó do người Trung Quốc đứng tên trên lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, nếu chúng ta quản lý không tốt hoạt động cư trú, kinh doanh của các doanh nghiệp này, có thể dẫn đến việc họ dùng phần đất đó vào những hoạt động phi pháp.

"Trước đây, nếu họ chỉ đơn thuần nhờ người Việt Nam đứng tên thì chưa nguy hiểm lắm, nếu bị phát hiện thì các giao dịch nhờ đứng tên vô hiệu. Nhưng với hình thức góp vốn bằng đất, rồi họ có quyền sở hữu vốn góp là quyền sử dụng đất đó thì quyền năng đối với tài sản là đất rất lớn, nếu không kiểm soát được các hoạt động liên quan thì sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập" - luật sư Lê Cao cảnh báo.

Ban hành quy chế quản lý người nước ngoài

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu Công an tỉnh và cơ quan, đơn vị chức năng phải hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài trong phạm vi chức năng; phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hoạt động xâm phạm an ninh chủ quyền, trật tự, an toàn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài.

Cơ quan, ban ngành phải thẩm tra, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét nội dung, chương trình hoạt động, đầu tư dự án của người nước ngoài tại địa phương. Quản lý chặt chẽ hoạt động của người nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn, địa bàn quản lý; phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp người nước ngoài hoạt động không đúng mục đích, nội dung, chương trình đăng ký, vi phạm quy định pháp luật về hoạt động của người nước ngoài…

Riêng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì quản lý hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến tỉnh hoạt động đầu tư, góp vốn thành lập doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thẩm tra, xác minh thông tin người nước ngoài làm thủ tục cấp, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, góp vốn, mua cổ phần vốn góp vào tổ chức kinh tế, thành lập tổ chức kinh tế; có cơ chế trao đổi thông tin cho công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan về người nước ngoài về các thủ tục liên quan đến việc đầu tư.

Sở Công Thương chủ trì, quản lý, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thẩm tra, xác minh thông tin, hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại các cụm công nghiệp, các văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài được cấp phép thành lập tại tỉnh...

Tác giả: BÍCH VÂN - KỲ NAM

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP