"Ném tiền qua cửa sổ" vì sợ con khác biệt
Nhìn mấy cuốn sách tham khảo như Văn hóa giao thông, Thực hành tâm lý học đường... đã mua nhưng con không sử dụng, chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ quận 9, TP.HCM cảm thấy “thật lãng phí”.
“Ngoài sách giáo khoa và một số sách bài tập trong danh mục sách lớp 1, phụ huynh còn được nhà trường gợi ý về nhiều đầu sách tham khảo. Dù biết là không cần thiết nhưng tôi vẫn bấm bụng chi tiền vì sợ con mình bị thầy cô rầy la”, chị Hằng chia sẻ.
Cùng như chị Hằng, nhiều phụ huynh khác cho rằng, học sinh lớp 1 chưa đọc thông viết thạo, làm sao có thể đọc và hiểu những nội dung trong sách bổ trợ, tham khảo.
“Nếu có học những chủ đề giao thông, bạo lực học đường, trẻ cũng chỉ nghe hướng dẫn từ giáo viên. Mà phụ huynh thì không có chuyên môn, không thể chất vấn giáo viên tại sao dùng sách này, tại sao phải mua sách kia. Có tự nguyện hay không, phụ huynh đều phải mua theo giới thiệu của nhà trường”, anh Lâm Đình Danh (ngụ quận Bình Thạnh) cho hay.
Không phải phụ huynh nào cũng hiểu rõ danh mục sách cần mua cho con học lớp 1. |
Hay chị Vũ Thị Đoan Phương (ngụ quận Thủ Đức) bức xúc: “Vì chưa kịp mua sách Mỹ thuật mà năm ngoái, con tôi bị cô giáo bắt đứng vòng tay suốt tiết học. Nếu phụ huynh không mua, con mình còn bị đối xử thế nào nữa?".
Vì thế, nhiều phụ huynh vẫn bảo nhau, khi nhà trường đã đưa ra danh mục sách, bất kể nhiều hay ít thì đều không có sự lựa chọn. Muốn con học hành bình thường, không bị soi mói, cha mẹ phải răm rắp làm theo.
Trong khi đó, tình trạng mua nhầm hoặc không mua được sách giáo khoa cũng khiến nhiều phụ huynh than trời. Như chị Hoàng Thanh Nga (ngụ quận Bình Tân) có con học lớp 1 trường tiểu học Kim Đồng.
“Nhà trường chọn giảng dạy theo bộ sách Cánh Diều (NXB ĐH Sư phạm TP.HCM) nhưng sách Mỹ thuật lại thuộc bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam). Còn cuốn Giáo dục thể chất lại thuộc bộ sách Cùng học để phát triển năng lực (NXB Giáo dục Việt Nam). Để có đủ sách cho con, phụ huynh buộc phải đăng ký mua trọn bộ ở trường với giá 545 nghìn đồng”, chị Nga chia sẻ.
Nhưng cũng như chị Nga, nhiều phụ huynh mệt mỏi vì thiếu sách Mỹ thuật và Giáo dục thể chất. Mà nhà trường lại không bán lẻ, ra các nhà sách tìm mua cũng không thấy.
Mất 2 tuần đi khắp các nhà sách ở TP.HCM nhưng không tìm được sách lẻ cho con, chị Trần Thị Hiền Mai (ngụ quận Bình Thạnh) buộc phải “cầu cứu” trên mạng xã hội để nhờ hỗ trợ.
Cần lắm trách nhiệm giám sát
Trước nghịch lý này, ngành giáo dục TP.HCM khẳng định đang nỗ lực hết sức sẽ đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, cơ quan quản lý đã quán triệt các trường không được ép buộc, vận động học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo theo chỉ đạo của bộ GD&ĐT.
Sách giáo khoa mới được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không còn sự bao cấp, trợ giá của ngân sách nên về cơ bản, giá sách cao hơn nhiều lần so với trước đây.
Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục không thực hiện đúng theo quy định, giới thiệu các tài liệu bổ trợ, các xuất bản phẩm tham khảo có tính áp đặt, gây hiểu lầm, tạo áp lực cho phụ huynh vào dịp đầu năm học.
“Sở đã có văn bản nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT”, ông Hiếu khẳng định.
Trong đó, nhấn mạnh một số nội dung như các tổ chuyên môn của nhà trường căn cứ thực tế, kế hoạch giáo dục,… và đề xuất của giáo viên để lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo liên quan.
Giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác danh mục xuất bản phẩm tham khảo cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Tuyệt đối không thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, đang nỗ lực chấn chỉnh nghịch lý về sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. |
Còn về việc thiếu sách giáo khoa, đại diện sở GD&ĐT TP.HCM thừa nhận thực trạng này có diễn ra tại địa phương.
Nguyên nhân do năm nay triển khai SGK mới, việc chọn sách cũng có thay đổi từ năm học tới (Bộ có Thông tư điều chỉnh) nên các đại lý phát hành, các nhà sách không dám nhập sách nhiều như mọi năm.
Ông Hiếu phân trần: “Trước đó, Sở cũng đã dự báo trước và yêu cầu các trường hỗ trợ phụ huynh nhưng cũng gặp khó khăn vì việc dự báo số lượng học sinh bị biến động (tăng dân số cơ học) nên chưa chính xác”.
Đối với việc một số phụ huynh muốn tự mua sách bên ngoài, một số trường chọn SGK không theo bộ (một trường có nhiều bộ sách theo môn học),…sở GD&ĐT cho biết, sẽ phối hợp với các nhà xuất bản xử lý sớm nhất trong khả năng và đã đảm bảo có đủ sách cho học sinh.
“Ngành giáo dục TP.HCM hết sức cầu thị nên đã tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến từ giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý,…khi thực hiện dạy học theo chương trình mới. Tất cả băn khoăn, góp ý đang được tổng hợp để gửi về bộ GD&ĐT”, ông Hiếu đúc kết.
Tìm giải pháp để dạy học 2 buổi/ngày Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, chưa thể thực hiện đồng loạt tại địa phương đối với mục tiêu học sinh được học 2 buổi/ngày và sĩ số hạn chế. Trước những vấn đề còn tồn đọng, cơ quan này đã đề xuất bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là trong giai đoạn triển khai chương trình mới. Đồng thời, cần hướng dẫn rõ quy định về thời lượng giáo dục tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí các tiết dạy cho phù hợp giữa các buổi và tổ chức các hoạt động giáo dục sau giờ học chính thức. Đáng chú ý, kiến nghị còn mong muốn có chỉ đạo cụ thể trong việc xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận khi thực hiện xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.
|
Tác giả: Nguyễn Thành Nhân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn