Giáo dục

Nghệ An: Hiệu trưởng, Trưởng Phòng GDĐT cùng “hiểu nhầm” về quy định của Bộ

Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa thông báo chỉ trả tiền dạy thêm cho giáo viên (GV) dạy từ 19 tiết trở lên. Điều đáng nói là ngay cả Trưởng Phòng GDĐT huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng “đồng tình” với quy định sai của cấp dưới.

btb387619 1
Trường THCS An Hòa (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)


Giáo viên xin nghỉ dạy thêm

Theo đơn của ông Nguyễn Ngọc Cương, GV Trường THCS An Hòa gửi Báo Lao Động, đầu năm học 2015 - 2016 Hiệu trưởng phổ biến về nội dung học thêm, dạy thêm trong nhà trường. Sau đó, tất cả học sinh (HS) đều đăng ký học thêm các môn Toán, Văn, Anh, 3 buổi/tuần, thu tiền 8.000 đồng/em/buổi. Cả năm mỗi HS phải nộp 480.000 đồng tiền học thêm. Tổ chức lớp học thêm theo lớp chính khóa.

Một phụ huynh có con học lớp 6 cho biết: “Con tôi về kể được cô chủ nhiệm đọc cho mẫu đơn xin học thêm để chép, về đưa cho tôi ký. Tôi thấy như vậy chẳng khác gì ép buộc, học quá nhiều”.

btb387619 2
Quan điểm của Phòng GD Quỳnh Lưu cho rằng cách chi trả tiền dạy thêm của trường THCS An Hòa là đúng

Các GV đăng ký dạy thêm hi vọng có thêm ít thu nhập, nhưng tại các cuộc họp Hội đồng, Hiệu trưởng là ông Lê Văn Quế cho biết chỉ những GV dạy trên 19 tiết mới được trả tiền dạy thêm, và chỉ trả cho số tiết vượt trên 19 tiết. Còn những GV khác, tham gia dạy thêm nhưng nếu tính tổng không đủ 19 tiết/tuần thì không được trả công. Phương án chi trả tiền dạy thêm cũng không được bàn bạc, thống nhất, thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Bất bình, ông Nguyễn Ngọc Cương viết đơn xin nghỉ dạy thêm, nhưng Hiệu trưởng không đồng ý. Ông Cương phải cầu cứu lên Phòng, mới được nghỉ.

Hiệu trưởng, Trưởng Phòng hiểu "nhầm" quy định

Làm việc với PV vào ngày 30.5, ông Lê Văn Quế - Hiệu trưởng - cho biết đến nay tiền dạy thêm vẫn chưa chi trả cho GV. Việc trường thông báo chỉ trả cho những GV dạy trên 19 tiết, ông Quế cho biết đó là quy định của Thông tư 28 Bộ GD – ĐT. Một thực tế, theo ông Quế là trong trường có những môn GV chỉ dạy 7 - 8 tiết/tuần; có những môn GV dạy rất nhiều, nhưng lương thì trả như nhau. Đây là điều rất bất cập.

PV trao đổi quy định giờ chuẩn theo Thông tư 28 và việc trả tiền dạy thêm cho GV theo Thông tư 17 là hai việc khác nhau, quy định của tỉnh Nghệ An cũng nêu rõ “tiền dạy thêm chỉ chi trả cho công tác dạy thêm”. Tuy nhiên, ông Quế vẫn chưa “thông” và nêu ý kiến việc chi trả tiền dạy thêm phải theo chỉ đạo của Phòng GD, của huyện.

Bất ngờ hơn, ngay cả ông Võ Minh Kỳ, Trưởng Phòng GD – ĐT huyện Quỳnh Lưu cũng khẳng định việc trả tiền dạy thêm như cách làm của Trường THCS An Hòa là đúng quy định.

PV trao đổi, ông Võ Minh Kỳ đáp gọn: “Chúng tôi áp dụng theo các văn bản khác nhau”, và “Cái anh nói chúng tôi đang suy nghĩ”.

Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND.VX ngày 11.1.2013 của UBND tỉnh Nghệ An quy định “Cuối mỗi học kỳ nhà trường quyết toán công khai kinh phí dạy thêm, học thêm”. Nhưng Trường THCS An Hòa đến cuối năm vẫn chưa trả tiền dạy thêm cho GV; có GV đã chuyển trường vẫn chưa nhận được tiền dạy thêm.

Phòng GD Quỳnh Lưu chậm trễ báo cáo

Ngày 2.6, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Võ Văn Mai - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Nghệ An - nói: "Có hai hình thức tổ chức dạy học ngoài chương trình chính khóa tại các trường. Trường hợp nhà trường tổ chức dạy học tăng buổi, không thu tiền, để phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, thì áp dụng tính định mức giờ dạy theo Thông tư 28. Trường hợp trường tổ chức dạy thêm, có đơn của học sinh, của GV, được cấp giấy phép dạy thêm, thì áp dụng theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD và Quyết định 01/2013/QĐ.UBND.VX của UBND tỉnh".

Phương án chi trả tiền dạy thêm được thống nhất, thông qua tại Hội nghị viên chức đầu năm và đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

"Sau khi có đơn phản ánh, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Phòng GD - ĐT Quỳnh Lưu xác minh, báo cáo cụ thể về việc chi trả tiền dạy thêm học thêm tại trường THCS An Hòa, nhưng đến nay chưa thấy báo cáo của Phòng GD - ĐT Quỳnh Lưu", ông Võ Văn Mai cho biết.


* Clip về vụ việc

Tác giả bài viết: Quang Đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP