Ông Mai Lương Khôi - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp). |
- Phóng viên: Nhìn lại năm 2017, công tác thi hành án dân sự (THADS) đã đạt được những thành quả nào tích cực nhất?
- Ông Mai Lương Khôi - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS: Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), là năm thứ hai Hệ thống THADS tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 111/2015 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.
Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã chỉ đạo toàn hệ thống triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao và đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Điển hình, năm nay, toàn hệ thống đã vượt 2 chỉ tiêu cơ bản về việc và về tiền. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý tăng (5,57% về việc và 19,67% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173 nghìn tỷ đồng), song các cơ quan THADS đã thi hành xong số việc, số tiền cao hơn so với năm 2016 (tăng gần 19 nghìn việc và hơn 6 nghìn tỷ đồng).
Bên cạnh đó, số đơn khiếu nại, tố cáo Hệ thống THADS đã tiếp nhận tăng hơn 1.300 đơn (tăng 15%) nhưng giảm 39 việc so với năm 2016. Kết quả: Giải quyết xong 3.334 việc/3.476 việc, đạt 95,91%, tương đương năm 2016. Có thể nói, trong bối cảnh số việc và tiền tăng (trên 46 nghìn việc và trên 28 nghìn tỷ đồng), tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng số việc khiếu nại, tố cáo giảm đã thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong công tác THADS.
- Những định hướng lớn nhất được Tổng cục THADS triển khai tới toàn hệ thống trong năm 2018 là gì, thưa ông?
- Năm 2018, trong bối cảnh đất nước tập trung xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi, công tác THADS, thi hành án hành chính tiếp tục gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân và quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ”. Theo đó, Hệ thống THADS xác định rõ tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ.
Trong đó sẽ tập trung hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các thể chế, chính sách pháp luật về THADS, thi hành án hành chính. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội, bảo đảm kết quả THADS, thi hành án hành chính năm 2018 ổn định, thực chất. Tập trung phân loại án chính xác, đúng quy định của pháp luật; tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục thi hành án và tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Chúng tôi cũng sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra và tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức THADS đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác THADS trên toàn quốc và từng địa phương.
Đồng thời bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách tài chính bảo đảm cho hoạt động THADS, thi hành án hành chính. Tập trung đầu tư xây dựng cho các cơ quan chưa có trụ sở hoặc đã xuống cấp; bảo đảm trang thiết bị, phương tiện làm việc và công cụ hỗ trợ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Ngoài ra, sẽ tập trung triển khai cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án, coi đây là giải pháp đột phá trong công tác THADS, thi hành án hành chính. Phấn đấu cải thiện chỉ số xếp hạng THADS góp phần nâng cao mức độ tín nhiệm của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 19/2017 của Chính phủ.
- Nhiều năm gần đây, việc thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng luôn trở thành vấn đề nóng bỏng. Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng “nhắc nhở” chuyện này. Xin hỏi, năm 2018, Tổng cục THADS có “kế sách” gì để triển khai việc này đạt hiệu quả cao nhất?
- Trong năm qua, kết quả công tác THADS liên quan đến án tín dụng, ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào kết quả thi hành án chung của toàn hệ thống THADS cũng như công tác thu hồi nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Cụ thể, tổng số việc phải thi hành án là 22.472 việc, tương ứng với số tiền trên 99.311 tỷ đồng; đã thi hành xong 4.440 việc, thu được số tiền trên 24.040 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 19,76% về việc và 27,89% về tiền.
Đạt được kết quả như trên, ngoài sự quan tâm của hai ngành Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện thể chế thực thi, Tổng cục THADS đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan THADS đẩy mạnh, nâng cao công tác phối hợp với các tổ chức tín dụng thông qua Tổ xử lý nợ xấu để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc đề ra các giải pháp thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án liên quan đến án tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; tăng cường công tác kiểm tra, làm việc trực tiếp tại địa phương nhằm tạo chuyển biến lớn về nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ công chức THADS đối với công tác xử lý nợ xấu.
Để công tác THADS liên quan đến các vụ án tín dụng, ngân hàng tiếp tục đạt được kết qua cao, Tổng cục THADS tập trung rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật phát sinh trong quá trình tổ chức tổ chức thi hành án để kịp thời kiến nghị, tham mưu cho cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý, chỉ đạo giải quyết.
Bên cạnh đó sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Hội sở của các tổ chức tín dụng tổ chức các Đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp tại các địa phương để chỉ đạo từng vụ việc cụ thể đang có khó khăn, vướng mắc để tìm biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Đại án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như có một số tiền rất lớn phải thu hồi nhưng "không có khả năng thi hành án". |
- Tại Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đề nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao cần phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện phong tỏa, kê biên tài sản đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tránh tẩu tán tài sản. Với những kinh nghiệm có được, Tổng cục THADS có phương hướng thế nào để thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đạt hiệu quả cao nhất? Và cần phải thực hiện nghiêm những yêu cầu nào để tránh việc tẩu tán tài sản, tới giai đoạn thi hành án mới phát hiện không có tài sản hoặc tài sản rất nhỏ so với số tiền phải thi hành?
- Thời gian gần đây, các vụ án kinh tế - tham nhũng có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng, giá trị tài sản và mức độ phức tạp. Nhận thức được vai trò quan trọng của thi hành án đối với việc thu hồi tiền, tài sản cho Ngân sách nhà nước, Tổng cục THADS đã, đang và sẽ tiếp tục thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan thi hành án tổ chức quyết liệt, đồng bộ, đúng pháp luật nhiều biện pháp nhằm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến các vụ án này.
Trong đó sẽ tích cực xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án; kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án ngay trong giai đoạn điều tra để tránh việc tẩu tán tài sản. Tăng cường cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan với cơ quan THADS để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…
Bên cạnh đó, để việc thu hồi tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán tài sản, các cấp, các ngành cần phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; Có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán...
Thực hiện nghiêm, hiệu quả các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự về việc kê biên tài sản, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản ngay trong giai đoạn điều tra. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong việc phong tỏa, kê biên tài sản đối với các vụ án kinh tế - tham nhũng lớn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ như chậm hoặc không kê biên, phong tỏa tài sản hoặc tài khoản ngân hàng.
- Những lùm xùm liên quan đến cán bộ thi hành án nhũng nhiễu, gây phiền hà được người dân, các cơ quan báo chí phản ánh sẽ được Tổng cục THADS chỉ đạo kiểm tra, xử lý nhanh chóng trong năm 2018?
- Kỷ cương, kỷ luật hành chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị nói chung và cơ quan THADS nói riêng. Đặc biệt, với vai trò là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế, qua đó, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, vấn đề duy trì kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng, đạo đức cán bộ trong Hệ thống THADS luôn được Tổng cục THADS chú trọng. Đây tiếp tục được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với toàn hệ thống trong năm 2018.
Thời gian tới, Tổng cục THADS tiếp tục chỉ đạo Hệ thống cơ quan THADS rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc.
Cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức để sắp xếp, điều động, bổ nhiệm hoặc bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chúng tôi cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc, thực hiện nhiệm vụ được giao và kiên quyết thực hiện tinh giản cán bộ, công chức có năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Nghiêm túc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương.
-Xin cảm ơn ông !
Tác giả: Thế Kha (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Dân trí