Thế giới

Nga tố ngược Mỹ ăn cắp công nghệ vũ khí

Sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton tố Nga ăn cắp công nghệ vũ khí, Moscow đã đáp trả tương tự khiến Mỹ khó có thể chối cãi.

Chương trình vũ khí gây nhiều tranh cãi nhất của Mỹ và bị Nga cho rằng đạo ý tưởng từ vũ khí Nga chính là F-35B.

Loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Lockheed Martin F-35B Lightning II có nguồn gốc Nga và mang những đặc điểm chung với máy bay chiến đấu trên hạm Yak-141 của Liên Xô.

Năm 1991, Tập đoàn Lockheed Martin Mỹ đã tìm mọi cách thu thập thông tin về Yak-141, bao gồm những dữ liệu đã phải trải qua "nhiều năm phát triển và thử nghiệm" của dòng chiến đấu cơ cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) tương lai mà các công trình sư Liên Xô phát triển dang dở.

Sự giống nhau kỳ lạ giữa Yak-141 và F-35B.

Đó là thông tin vô cùng quan trọng, thừa đủ điều kiện để cho phép nhà sản xuất Mỹ bắt đầu phát triển động cơ - trái tim của những chiếc máy bay F-35B hiện đại ngày nay. Mặc dù vậy, Mỹ từng nhiều lần phủ nhận cáo buộc của Nga về vấn đề này.

Chương trình vũ khí thứ 2 của Mỹ có liên quan đến công nghệ của Nga chính là hệ thống sonar. Vào năm 2012, Anh đã công bố chi tiết về hoạt động bí mật hàng đầu của tàu ngầm Mỹ do hệ công nghệ sonar tàu Anh đánh cắp được và chuyển giao cho Mỹ nghiên cứu.

Tại thời điểm đó, một chiếc tàu ngầm HMS Conqueror của Anh đã âm thầm tiếp cận sát phần đuôi của tàu ngầm Nga đang hoạt động trên Biển Barents và cắt hệ thống sonar đang được kéo bằng dây phía sau. Để không bị lộ, tàu ngầm Anh đã chọn cách cắt sao cho nó giống vết dây đứt do bị sờn.

Khi HMS Conqueror đến căn cứ, hệ thống sonar nói trên đã được Anh chuyển giao cho phía Mỹ. Ngay khi được tiếp cận, các chuyên gia hàng đầu của Hải quân Mỹ đã tiến hành phẫu thuật và tháo từng cái ốc vót trên chiến lợi phẩm để nghiên cứu. Có vẻ bí mật của hệ thống sonar này đã bị Mỹ chinh phục và sử dụng để phát triển hệ thống sonar riêng của mình.

Ngoài những công nghệ trong những chương trình vũ khí nói trên, nguồn tin quân sự Nga cung cấp cho RIA còn tiết lộ, hệ thống ghế phóng của phi công K-36DM, một số loại súng máy 12,7mm, súng trường tấn công cũng bị Mỹ đánh cắp công nghệ và phát triển phiên bản riêng của mình. Đặc biệt trong đó là súng trường tấn công AK-47.

Sự sụp đổ của Liên Xô và khối Hiệp ước Vacsava đã tạo điều kiện đáng kể cho tình báo NATO hoạt động. Nếu trước đó, các thiết bị quân sự của Liên Xô rơi vào tay phương Tây chủ yếu là chiến lợi phẩm quân đội Israel đoạt được tại Ai Cập và Syria, thì sau năm 1991, việc đoạt bí mật quân sự của Liên Xô dễ dàng hơn nhiều.

Chỉ cần chi tiền. Kết quả là Mỹ và các đồng minh của nước này, cũng như các nước như Israel, Thụy Điển và Hàn Quốc, có trong tay nhiều mẫu vũ khí Xô viết. Một lượng lớn vũ khí đó được lấy trong kho của quân đội CH Dân chủ Đức trước đây.

Người Đức bán cho tất cả những ai muốn sở hữu chúng. Kết quả là, tăng T-72M1 được nghiên cứu tại Israel, Thụy Điển và Hàn Quốc. Một lượng lớn công nghệ máy bay và tên lửa được đưa tới Mỹ.

Có thể nói các nước thuộc Hiệp ước Vacsava chủ yếu được trang bị công nghệ đã được xuất khẩu hoặc từng do quân đội Liên Xô sử dụng. Tuy nhiên vấn đề nằm ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Ví dụ Moldova bán cho Mỹ một lượng lớn máy bay MiG-29. Trong thập niên 1990, rất nhiều mẫu vũ khí mới nhất của Nga được đưa ra bên ngoài.


Đó là xe tăng T-80U, BMP-3, SAU 2S19M MSTA, hệ thống phòng không Tor, Tunguska, S-300V, tên lửa đối hạm. Chỉ tới cuối thập niên 1990, Nga mới thận trọng hơn với phương Tây. Còn Mỹ ngày càng quan tâm tới khí tài Nga. Họ muốn mua tăng T-90, hệ thống bảo vệ chủ động Arena cùng các bí mật quân sự khác song bị Nga "lịch sự" từ chối.

Tác giả: Hòa Bình

Nguồn tin: Báo Đất việt

  Từ khóa: ăn cắp công nghệ , Nga , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP