Biểu diễn nghệ thuật trong ngày khai mạc lễ hội Phủ Dầy năm 2016. (Ảnh: Hiền Hạnh/TTXVN)
Phát biểu tại lễ khai mạc lễ hội, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định Trần Văn Chung nhấn mạnh Lễ hội Phủ Dầy là hoạt động văn hóa dân gian độc đáo góp phần làm phong phú nền văn hóa truyền thống của dân tộc.
Vì vậy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân cần duy trì, phát duy giá trị, bản sắc văn hóa, xây dựng môi trường lễ hội lành mạnh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân an tâm vui hội...
Lễ hội diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 9/4 đến ngày 14/4 (tức từ 3/3 đến ngày 8/3 âm lịch) với các hoạt động văn hóa truyền thống phong phú như thi hát chầu văn, hoa trượng hội tại Phương du phủ Tiên Hương và Phương du phủ Vân Cát; rước thỉnh kinh phủ Vân Cát và rước đuốc phủ Tiên Hương; múa lân, múa sư tử, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật tại đền Cây Đa Bóng, thi đấu cờ người, thi đấu vật, kéo chữ.
Điểm nhấn của lễ hội Phủ Dầy năm nay là “Liên hoan nghệ thuật hát chầu văn” diễn ra tại phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát vào ngày 10/4 với sự tham gia của đại diện các đền, phủ thuộc quần thể di tích Phủ Dầy. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể này.
Quần thể Di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy bao gồm gần 20 điểm di tích đền, phủ, chùa, lăng gắn liền với sự tích về Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội Phủ Dầy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nổi tiếng với nghi lễ chầu văn-hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của đạo Mẫu.
Hàng năm, khách thập phương về Phủ Dầy để thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ mẫu, đồng thời tham quan chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc độc đáo, nơi khởi nguồn, hội tụ và lan tỏa của nghệ thuật hát chầu văn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vụ Bản Lương Quốc Tuấn cho biết, huyện đã ban hành “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy” từ năm 2015 để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội, theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích; quản lý chặt chẽ, bài trừ mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình; các dịch vụ lợi dụng lễ hội để trục lợi; hướng tới xây dựng môi trường lễ hội lành mạnh để thu hút du khách nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch tâm linh, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương./.
Tác giả bài viết: Hiền Hạnh