Thế giới

Mỹ dọa quá đà, Nga rút luôn khỏi INF

Mỹ không nhớ câu ‘già néo đứt dây’ nên đã triển khai bệ phóng Mk41 ở châu Âu, đòi Nga hủy tên lửa 9M729, khiến Moscow nổi giận rút luôn khỏi INF.

Mỹ ra tối hậu thư, Nga chờ Mỹ ‘đủ chín chắn’

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty, viết tắt là INF) hay còn gọi là “Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn” một thỏa thuận giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, được ký bởi Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào ngày 8/12/1987 trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Xô ở Washington. Hiệp ước có hiệu lực vào ngày 1/6/1988.

Lần đầu tiên trong lịch sử, hiệp ước cho phép loại bỏ cả một nhóm vũ khí. Các bên cam kết tiêu hủy tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung (1.000 - 5.500 km) và tầm ngắn hơn (từ 500 đến 1.000 km) và cam kết không phát triển các loại tên lửa này.

Theo Hiệp ước, các bên cũng phải tiêu hủy tất cả các bệ phóng và tên lửa đất đối đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, bao gồm cả tên lửa trên cả lãnh thổ châu Âu và châu Á của Liên Xô, trong vòng ba năm. Hiệp ước được cung cấp cho các thủ tục kiểm tra của các thanh tra viên, những người muốn theo dõi sự phá hủy của các tên lửa bên đối diện.

Trong những năm gần đây, Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm INF. Khiếu nại chính của Hoa Kỳ đối với Nga là tên lửa 9M729 thuộc hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Iskander.

Nga đã nhiều lần tuyên bố tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước, cáo buộc của Hoa Kỳ về “những vi phạm Hiệp ước INF của Moscow” là vô căn cứ, tên lửa 9M729 gây ra mối quan tâm của Washington đã được thử nghiệm ở phạm vi thỏa thuận cho phép.

Ngày 20/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi INF. Vào ngày 1/2/2019, Trump chính thức đình chỉ hiệp ước và cho Putin thời hạn sáu tháng để thực hiện đầy đủ các điều kiện của Mỹ, nếu không Washington sẽ thực sự rút khỏi INF.

Thế nhưng, ngay ngày hôm sau (02/02), Tổng thống Putin đã tuyên bố rút khỏi INF. Đồng thời, ông cũng ra lệnh cho tất cả các quan chức Nga từ nay “không chủ động mở các cuộc đàm phán với Mỹ về giải giáp vũ khí”.

Ông nhấn mạnh rằng, Moscow sẽ chờ đợi cho đến khi Washington “đủ chín chắn để tiến hành một cuộc đối thoại bình đẳng, sâu sắc về chủ đề quan trọng bậc nhất này”, nếu không, Nga sẽ thực sự rút khỏi Hiệp ước này.

Nga

Nga cho rằng, Mỹ sẽ phải hối hận khi rút khỏi INF

Putin chính thức đình chỉ tham gia INF

Và đến ngày 04/03, dịch vụ báo chí của Kremlin cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc Nga đình chỉ thực thi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Tài liệu có hiệu lực kể từ ngày ký.

Việc Putin không chờ “hết hạn” 6 tháng của Trump mà đã ngay lập tức ký sắc lệnh rút Nga khỏi phạm vi INF cho thấy Moscow đã hết kiên nhẫn với những đòi hỏi vô lí của Washington.

Giới lãnh đạo Nga nhiều lần tuyên bố rằng, Mỹ quá tham lam khi chỉ đòi “nhận” mà không hề “cho” ai cái gì, họ luôn ra điều kiện bắt người khác phải làm theo ý mình, trong khi không hề có động thái cho thấy thiện chí tương xứng.

Ngay sau khi ông Putin kí sắc lệnh về việc Nga đình chỉ thực thi Hiệp ước INF, các quan chức nước này tuyên bố rằng, Moscow sẽ đáp trả ngay lập tức việc Washington triển khai tên lửa thuộc phạm vi Hiệp ước INF ở châu Âu.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Vladimir Jabarov nói rằng, ban đầu Washington cần INF nhiều hơn so với Moscow và hiện nay Mỹ còn cần hơn nữa, bởi Nga có thể ngay lập tức triển khai nhiều vũ khí trong phạm vi chế ước của INF, trong khi hiện nay Moscow không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì.

Trong trường hợp tên lửa thuộc phạm vi INF triển khai ở châu Âu, Nga sẽ ngay lập tức đáp trả điều này bằng cách triển khai tên lửa cùng lớp ở khu vực biên giới. Việc Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh về việc Nga đình chỉ thực hiện INF đã cho phép Nga có thể thực hiện điều này.

Tuy nhiên, những tên lửa này hiện chưa được Moscow triển khai ở gần biên giới, điều này chỉ xảy ra khi những bệ phóng Mk41 ở Ba Lan và Romania xuất hiện các tên lửa tấn công vào lãnh thổ Nga, tương tự như như tên lửa hành trình phóng từ trên bộ (GLCM) BGM-109 Tomahawk.

Giới chuyên gia cho rằng, thực ra Washington không muốn Moscow rút khỏi INF mà chỉ muốn ra tối hậu thư, buộc Nga phải làm theo ý mình là phá hủy các tên lửa hành trình phóng từ trên bộ và các tên lửa đạn đạo có tầm phóng vượt quá 500km.

Tuy nhiên, “già néo thì đứt dây”, việc Mỹ triển khai Mk41 ở Romania và Ba Lan đã là giọt nước tràn ly khiến Nga không thể chịu được và quyết định hủy bỏ INF.

Tác giả: Toàn Thắng

Nguồn tin: Báo Đất việt

  Từ khóa: INF , Nga , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP