Vào tiết trời chuyển mùa, từ trong cái lạnh, mưa xuân gọi măng rừng nhú lên, vươn những “mũi chông nhọn” nhô lên khỏi mặt đất. Các món nấu từ măng đều được ưa chuộng, nhất là vào dịp lễ, Tết… Cứ thế, thứ lâm sản dân dã ấy được người vùng cao, vùng đồng bằng đón nhận vì là một món ăn vừa ngon vừa lành bởi không bị tác động của những loại hóa chất độc hại như nhiều loại rau, củ khác.
Món măng nộm (ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Lên miền Tây Bắc mùa này, du khách sẽ được thưởng thức món nộm măng. Gọi là nộm cho sang chứ thực sự cũng chỉ là món ăn làm từ những thứ đơn giản, dễ kiếm. Măng ở đây có nhiều loại như măng lay, măng đắng, măng nứa, măng tre… và còn cả thứ măng bát độ nữa. Nhưng loại măng được làm món nộm thường là măng tre mới nạc thịt.
Măng đem thái thành từng miếng mỏng, ngắn rồi đem ngâm vơi nước lã, sau đó làm sạch như cách chế biến thông thường. Khi măng đã ráo nước ta mới vắt thêm một chút nước chanh cốt tưới lên cho măng mềm và thơm.
Những loại gia vị khác cũng được khéo léo chế biến như lạc rang vừa độ giã nhỏ, rau tía tô, kinh giới thái nhỏ đem trộn vào măng.
Có người từng nói nộm măng giống món ăn chay, nhưng kì thực, người dân ở vùng cao Tây Bắc chưa thực sự quan tâm nhiều đến điều đó. Bởi chỉ đơn giản, đó là món ăn kết hợp từ những gì dễ kiếm quanh nhà. Những thứ rau (cũng là vị thuốc như tía tô, kinh giới) đi kèm với măng làm món ăn thêm đậm đà hương vị.
Lâu ngày mới có dịp trở lại Tây Bắc, thấy cảnh vật đã nhiều đổi thay nhưng món nộm măng sao vẫn thấy ngon, lạ miệng. Nó thành một món nhậu trong bữa cơm ôn lại kỷ niệm xưa với những người bạn đã từng gắn bó ở nơi đây.
Tác giả bài viết: Phương Mai