Hơn 150 năm cai trị từ 1842 đến 1997, Anh đã biến Hong Kong từ một vùng đất hoang sơ thành đô thị sầm uất với mức sống cao hàng đầu thế giới. Kể từ sau Thế chiến thứ 2, đi đôi với sự tăng trưởng công nghiệp, nền kinh tế của Hương Cảng phát triển ngoạn mục nhờ thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Một khu chợ truyền thống sầm uất vào năm 1963
Cũng trong giai đoạn này, thay vì ghi lại hình ảnh "chuyển mình" của đô thị, nhiếp ảnh gia Fan Ho lại đi sâu vào việc chụp các khoảnh khắc bình dị, khai thác góc nhìn rất khác về xứ Cảng Thơm.
Fan Ho là một trong những nhiếp ảnh gia đường phố được yêu thích nhất châu Á với mệnh danh "bậc thầy vĩ đại". Trong suốt những năm tháng sự nghiệp, ông nhận được hơn 280 giải thưởng từ các cuộc thi quốc tế lớn nhỏ.
Bên trong ngõ hẻm bình yên. Chuyển tới sinh sống từ năm 1949, cảm nhận đầu tiên của Fan Ho về Hong Kong là "mới mẻ và thú vị"
Sinh ra ở Thượng Hải nhưng Fan Ho chuyển cùng gia đình tới Hong Kong sinh sống từ năm 1949. Ông tiếp xúc và tìm hiểu về nhiếp ảnh từ rất sớm. Bắt đầu thời điểm này, Fan Ho tự mày mò học cách chụp. Những bức hình về Hong Kong trong giai đoạn 1950-1960 dưới góc nhìn của Fan Ho toát lên vẻ hoài cổ, bình dị lạ thường.
"Hong Kong khi đó là sự giao thoa rõ nét giữa cái cũ và cái mới, nền văn hóa Trung Hoa và phương Tây", nhiếp ảnh gia mô tả
Đề tài yêu thích của Fan Ho là những bức hình kể về câu chuyện đường phố xung quanh những ngõ hẻm, khu ổ chuột nghèo, cuộc sống người lao động… Chùm ảnh của Fan Ho đưa người xem về câu chuyện của quá khứ cách đây hơn nửa thế kỷ, chìm đắm trong một thế giới khác ở Hong Kong, hoàn toàn khác biệt với vẻ hào nhoáng, sầm uất thời hiện tại.
Khoảnh khắc mô tả sự hối hả của người dân trên phố
Cuộc sống đời thường bình dị được khắc họa chân thực
Người dân đi lại trên những bậc thang cao hun hút
Rất nhiều những khu cao cấp ở Hong Kong trong ngày hôm nay lại là khu lao động nghèo của năm 1950-1960
Tác giả bài viết: Việt Hà