Sáng 21-2, tức 14 tháng Giêng âm lịch, lễ minh thề (thề không tham nhũng) đã diễn ra tại khu di tích đình-chùa thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Lời thề thiêng
Nghi lễ minh thề được diễn ra theo trình tự: Chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của thánh vương rồi làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm. Các bô lão, quan khách và dân làng, chức dịch, quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2 m ở giữa sân miếu gọi là đài thề. Trước đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm.
Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, từ người 18 tuổi trở lên đến bô lão đều thề: “Ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử; làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Sau khi mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn đài thề để biểu thị sự quyết tâm.
Dân làng uống rượu minh thề. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
Bị trừng phạt vì lỡ thề?
Năm nay, khác với sự đìu hiu của lễ hội minh thề những năm trước, lễ hội có nhiều du khách hơn. Lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy cũng như lãnh đạo các phòng ban trong huyện về lễ hội nhiều hơn năm trước. Tuy nhiên, các lãnh đạo chỉ tham dự như người dân bình thường, không có lãnh đạo tham gia nghi thức thề trong lễ hội.
Theo ông Phạm Đăng Khoa, 80 tuổi, người viết sử của làng Hòa Liễu thì lễ hội minh thề được phục dựng từ năm 1993; đến năm 2001 mới chính thức được UBND huyện Kiến Thụy công nhận lễ hội truyền thống.“Ông Khoa cũng cho hay có nhiều câu chuyện về những người tham gia minh thề bị trừng phạt khi vi phạm lời thề.
Ông Bùi Thế Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, cho rằng việc lãnh đạo không tham gia nghi lễ minh thề vì đây là lễ hội của làng. Ông Thảo nêu lý do tại sao không nâng cấp lễ hội minh thề mặc dù lễ hội có những nét đặc sắc và đáng được quan tâm: “Tổ chức một lễ hội rất phức tạp, cần phải nghiên cứu thật kỹ. Năm nay tôi nhận được lời mời tham gia lễ hội rất muộn, cách ba ngày tổ chức lễ hội tôi mới được mời. tôi sẽ xem xét khả năng nâng tầm lễ hội. Những yếu tố thiếu tích cực của lễ hội sẽ được bỏ đi, những yếu tố tốt của lễ hội sẽ được phát triển”.
Đại diện cho nhân dân, ông Phạm Đăng Khoa thay mặt cho người dân thôn Hòa Liễu bày tỏ nguyện vọng: “Tôi chỉ mong các lãnh đạo huyện và lãnh đạo thành phố tham gia lễ hội với bà con, uống chén rượu thề cùng chúng tôi. Đây là việc làm hay hơn tất cả những phát biểu hứa hẹn của lãnh đạo
2.000 cảnh sát bảo vệ lễ khai ấn đền Trần Đêm 21-2, lễ khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) đã chính thức diễn ra. Năm nay lễ phát ấn bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng 22-2, sớm hơn mọi năm 30 phút. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sáng 21-2, hàng ngàn người đã đổ về khuôn viên của đền (ảnh). Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, khoảng 2.000 cảnh sát, chia thành năm vòng đã được huy động tham gia bảo vệ lễ hội. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Nam Định cũng đã huy động 156 chiến sĩ CSGT cùng 29 ô tô, 23 mô tô và 53 biển báo các loại để thực hiện nhiệm vụ phân luồng, đảm bảo giao thông được thông suốt. Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch TP Nam Định, trưởng ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần năm 2016, cho biết năm nay để khắc phục việc người dân ùa vào cướp lộc trên bàn thờ, ban tổ chức đã có giải pháp khai ấn xong sẽ lập tức thu dọn đồ lễ trên bàn thờ và thông báo, tuyên truyền đến người dân không chen lấn, xô đẩy. Về thông tin ấn được tuồn ra và bán lậu trước giờ khai ấn, bà Oanh cho biết không có chuyện đó. Để đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian lễ hội, UBND TP Nam Định đã thành lập các tiểu ban để phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định như việc thu phí trông giữ phương tiện giao thông không đúng quy định, tình trạng chèo kéo du khách đổi tiền lẻ, mua bán hàng hóa. Theo ban tổ chức lễ hội, năm nay ấn đền Trần sẽ được phát ra không giới hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. P.HÙNG - V.THỊNH |
Tiêu điểm Theo lịch sử của làng, khoảng giữa thế kỷ XVI, thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của vua Mạc Đăng Dung) bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ ở thôn Hòa Liễu. Thái hoàng thái hậu mua 25 mẫu, tám sào, hai thước ruộng cúng tam bảo và cho dân Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu) được sử dụng. Ruộng này làng gọi là thánh điền. Một phần diện tích ruộng dành cho nhà chùa cày cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, một phần chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc, phần còn lại cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, quả phụ… Để phòng tham nhũng trong việc sử dụng hoa lợi từ số ruộng trên, thái hoàng thái hậu đã cùng với dân làng lập ra hịch văn hội minh thề quy định lấy chí công làm trọng. Hội minh thề từ đó diễn ra vào ba ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng hằng năm. |
Tác giả bài viết: Hải Đường