Giới trẻ

Mâm cơm 'Việt - Nhật kết hợp' của nàng dâu Hải Dương

Thực đơn nhà chị Thúy thường có các món Nhật được nêm nước mắm hay đĩa thịt viên nửa sốt cà chua, nửa sốt teriyaki.

Ông xã người Nhật của chị Phương Thúy, 24 tuổi, tăng khoảng 10 kg từ khi kết hôn. Anh là người kỹ tính, kén ăn nhưng mê các món vợ nấu. Chị Thúy làm dâu xứ mặt trời mọc gần một năm mới biết nấu món Nhật. Nhưng không lâu sau đó, chị đã có thể biến tấu các món ăn theo phong cách ẩm thực Việt để hợp khẩu vị cả nhà.

Mâm cơm nhà chị Thúy lúc nào cũng có 3-4 món Nhật, 1-2 món Việt hoặc các món ăn Nhật nấu theo kiểu Việt. Chị thường nêm nước mắm vào các món xào, kho hay sử dụng một số loại gia vị quê nhà khi chế biến món ăn truyền thống của Nhật.

Ban đầu chồng chị Thúy không quen, thường xuyên thắc mắc vì sao những món ăn quen thuộc có vị khác lạ. Sau đó anh tỏ ra hào hứng với sự sáng tạo của vợ, mỗi bữa đều hỏi: 'Em đã làm gì với món ăn này vậy?'.

Thỉnh thoảng, Phương Thúy chia thực phẩm thành hai phần, chế biến theo hai công thức khác nhau. Đĩa thịt viên trên mâm cơm nhà chị một nửa sốt cà chua, nửa còn lại sốt teriyaki cho vừa miệng ông xã.

Chồng chị Thúy không ăn các loại nấm, măng; dị ứng ngao, sò, ốc và cá da trơn nên chị mất nhiều thời gian lên thực đơn mỗi ngày.

Hôm nào làm bún đậu, bún chả, chị thêm đĩa nui xào kiểu Nhật; nếu món chính trong bữa cơm là cá nướng, chị Thúy xào đĩa rau Việt để cả nhà ăn kèm.

Vợ chồng chị Phương Thúy tốn khoảng 5 Man (khoảng 10 triệu đồng) chi phí ăn uống mỗi tháng. Theo chị, đây là mức phí cao so với mặt bằng chung ở Nhật vì bữa nào cũng nhiều món và có hoa quả tráng miệng.

Trước khi kết hôn, chị Thúy không biết nấu ăn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nàng dâu Việt tại Nhật là cắt vào tay tới lần thứ 6 mới biết cách thái rau, củ.

Lúc mới làm dâu, chị Thúy thú nhận vụng chuyện bếp núc nên ngày nào mẹ chồng cũng nấu cơm mang qua vì lo con trai bị đói. Nhìn mẹ chồng lớn tuổi tay xách, nách mang đi lại mỗi ngày, nàng dâu thấy áy náy nên quyết tâm học nấu nướng.

Nàng dâu Việt bắt đầu học nấu nướng một cách nghiêm túc bằng việc tập thái, tỉa rau củ, sau đó dành thời gian nghiên cứu kỹ về nước tương shoyu (gia vị phổ biến của Nhật). Chị mua 5-7 loại tương khác nhau về nêm rồi kết hợp với các món ăn để rút ra công thức riêng.

Ngày đầu, món ăn của chị Thúy hay gặp lỗi quá mặn hoặc quá ngọt. Tuy vậy ông xã hiếm khi chê mà luôn cố gắng ăn hết rồi nhẹ nhàng góp ý với vợ.

Chồng chị Thúy không biết nấu ăn nhưng thích học hỏi từ mẹ, chị để dạy vợ. Khoảng thời gian bà xã tập nấu nướng, khả năng đứng bếp của anh cũng cải thiện đáng kể. Cặp chồng Nhật, vợ Việt hay tìm đến những quán ăn ngon để thưởng thức và mày mò cách làm theo.

Chị Phương Thúy thấy hạnh phúc mỗi ngày vì được chăm sóc chồng bằng những bữa ăn ngon, đủ chất. Nỗi nhớ quê hương trong chị được làm vơi bởi mâm cơm lúc nào cũng có món ăn Việt.

'Phụ nữ Nhật sau khi kết hôn có xu hướng lui về làm hậu phương cho chồng, chăm sóc gia đình, làm nội trợ. Tôi cũng vậy, mãn nguyện với những bữa cơm do chính mình chăm chút và chờ chồng về để cùng chia sẻ niềm vui này mỗi ngày', chị Thúy tâm sự.

Chị Phương Thúy và ông xã người Nhật.

Ảnh: NVCC

Tác giả: Lam Trà

Nguồn tin: ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP