Quầy thông tin của Hội đồng du lịch sức khỏe, một sáng kiến của Bộ Y tế Malaysia, đặt ngay sân bay Penang để chào đón du khách - Ảnh: Trường Sơn
Hòn đảo nhỏ Penang (bang Penang, tây bắc Malaysia) có thể được xem là “đầu tàu” cho chiến lược phát triển du lịch sức khỏe của Malaysia. Năm 2014, Penang đóng góp 45-50% trong tổng doanh thu 730 triệu ringgit (178 triệu USD) Malaysia thu được từ dịch vụ du lịch chữa bệnh, theo Cục Xúc tiến du lịch Penang.
Chính quyền đảo Penang đang quảng bá mạnh mẽ ngành du lịch sức khỏe của mình với phương châm “vừa du lịch vừa chữa bệnh”, hướng đến các thị trường mới như Việt Nam...
“Penang không chỉ là điểm đến để ăn uống, vui chơi, mà còn để sống khỏe mạnh” - ông Lim Guan Eng, thủ hiến bang Penang, nói tại buổi họp báo nhân lễ khai trương chuyến bay của Hãng AirAsia từ TP.HCM đến Penang.
Ngoài hệ thống y tế tiêu chuẩn cao với hai bệnh viện công và hơn chục cơ sở y tế tư nhân, thủ hiến Lim cho rằng không khí trong lành của một hòn đảo với bãi biển và nhiều mảng xanh được giữ gìn rất tốt của Penang chắc chắn sẽ làm thỏa mãn cả hai nhu cầu khám bệnh và nghỉ dưỡng của du khách.
Sự lựa chọn địa điểm như Penang là có tính toán của ngành y tế và du lịch Malaysia. Được thành lập năm 2006, Trung tâm Du lịch sức khỏe Penang (PMed) đã xác lập du lịch sức khỏe chính là mũi nhọn của ngành công nghiệp không khói.
Theo Cục Xúc tiến du lịch Penang, doanh thu từ du lịch sức khỏe của chín bệnh viện tư lớn trên đảo này đạt 500 triệu ringgit năm 2015, tăng mạnh so với 370 triệu ringgit một năm trước đó. Cũng theo cơ quan này, phần lớn du khách đi du lịch và khám bệnh tại Penang đến từ Indonesia, Singapore, Úc, Nhật và các nước Trung Đông.
Trả lời Tuổi Trẻ, TS Mary Ann Harris, chủ tịch PMed, xác nhận Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chính là một trong các thị trường mới mà Penang muốn thu hút.
TS Harris cho rằng đường bay thẳng sẵn có, cùng với khoảng cách gần (chưa đầy hai giờ bay) là điểm cộng để Penang thu hút khách du lịch sức khỏe từ TP.HCM.
Theo bà Harris, các yếu tố khác khiến Penang tự tin có thể cạnh tranh với các địa chỉ du lịch chữa bệnh trong khu vực gồm đội ngũ bác sĩ được đào tạo tại các nước thuộc Khối thịnh vượng chung, chi phí điều trị thấp, thiết bị hiện đại.
Năm 2015, Malaysia đón hơn 880.000 lượt du khách đến khám chữa bệnh trên toàn quốc, đạt doanh thu 730 triệu ringgit, theo tờ The Star. Hội đồng Du lịch sức khỏe Malaysia cho biết nước này đang là điểm đến chữa bệnh tốt thứ ba ở châu Á sau Thái Lan và Singapore. |
Tác giả bài viết: Trường Sơn