Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2010, Malaysia là một trong 10 nước trên thế giới có lượng khách du lịch quốc tế đến nhiều nhất với 24,5 triệu lượt khách và doanh thu du lịch đạt 180,8 tỷ USD. Năm 2014, dù gặp tới 2 thảm họa hàng không khiến ngành du lịch nước này lao đao, song Malaysia vẫn thu hút được tới 27,5 triệu lượt khách, doanh thu từ khách du lịch quốc tế lên tới 72 tỉ Ringgit, tương đương 414.000 tỉ đồng.
Vậy Malaysia đã làm du lịch như thế nào để có thể trở thành quốc gia thu hút khách quốc tế hàng đầu khu vực ASEAN?
Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với bà Chong Yoke Har - Phó Tổng giám đốc Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia về vấn đề này:
- Thưa bà, Malaysia những năm gần đây luôn là điểm đến hút khách quốc tế hàng đầu trong khu vực ASEAN. Năm 2014, dù gặp khó khăn do hai thảm họa hàng không, Malaysia vẫn thu hút tới 27,5 triệu lượt khách. Đây là một kỳ tích mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Vậy xin bà chia sẻ bí quyết làm du lịch của Malaysia?
+ Một trong những lý do khiến Malaysia trở thành một thị trường du lịch phát triển mạnh trong khối ASEAN là vì chúng tôi có vị trí chiến lược rất tốt, nằm trong trung tâm khu vực châu Á. Do vậy quãng đường mà du khách các nước đến với Malaysia tương đối gần, không mất nhiều thời gian và không bị mệt mỏi bởi quãng đường dài.
Thứ 2 là Malaysia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tuyệt đẹp như rừng nguyên sinh được bảo tồn tốt, hệ thống biển đảo đẹp, khu quần thể động thực vật dưới đáy biển được bảo tổn rất kỹ…
Ngoài ra, Chính phủ Malaysia cũng rất quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ du lịch. Chúng tôi luôn cải tiến, đổi mới bằng cách xây dựng những công trình, cơ sở hạ tầng vật chất hiện đại và tốt nhất để phục vụ du khách. Cơ sở hạ tầng hiện đại này cũng giúp cho du lịch mua sắm - một thế mạnh của du lịch Malaysia phát triển tốt. Hoặc các công trình nhân tạo đẹp như Tháp đôi Petronas cũng trở thành những điểm đến thu hút du khách. Ngoài ra du lịch biển đảo ở Malaysia cũng rất hấp dẫn với những bãi biển tuyệt đẹp.
Tất cả những sản phẩm du lịch này được đưa vào chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Chúng tôi triển khai thực hiện chiến lược này hàng năm và duy trì ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, ngành du lịch Malaysia cũng luôn tìm thêm những những sản phẩm du lịch mới để tiếp cận các thị trường du lịch mới nổi trên thế giới.
Thêm một điểm nữa là chúng tôi cũng luôn cố gắng hợp tác với các hãng hàng không để mở nhiều các chuyến bay thẳng từ các nước đến Malaysia để du khách không phải “transit” qua nước thứ 3. Việc tạo thuận lợi cho việc di chuyển đến Malaysia cũng góp phần kích thích du khách đến thăm đất nước chúng tôi.
Ngoài ra, người dân Malaysia rất thân thiện với khách du lịch. Malaysia cũng khá giống với Việt Nam về sự đa dạng văn hóa khi có tới 47 dân tộc thiểu số. Chúng tôi quen với việc sống hòa đồng trong một cộng đồng, chia sẻ những giá trị văn hóa, ẩm thực với nhau, do vậy điều đó làm giàu thêm màu sắc văn hóa của Malaysia. Đó cũng là điểm thu hút khách du lịch đến Malaysia.
- Như bà chia sẻ, văn hóa và ẩm thực của Malaysia cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn du khách đến với Malaysia. Vậy Malaysia tập trung vào điểm nhấn nào khi quảng bá ẩm thực tới bạn bè quốc tế?
+ Tôi thấy món ăn của Việt Nam rất ngon nhưng tôi thấy các bạn thường chú trọng vào các món ăn thiên về truyền thống của các bạn hơn khi quảng bá về hình ảnh ẩm thực của Việt Nam.
Trong khi đó, Malaysia lại chú trọng vào sự đa dạng về văn hóa và ẩm thực. Ở Malaysia có người Malay, người Hoa, người Ấn và nhiều dân tộc thiểu số khác… Đối với mỗi cộng đồng, chúng tôi lại có một loại hình ẩm thực riêng. Đến Malaysia, du khách có thể thưởng thức các món của người Hoa, người Ấn, hoặc món ăn của người dân địa phương. Thậm chí, đến với thành phố Kuala Lumper - nơi đã được đô thị hóa mạnh mẽ, du khách có thể thưởng thức những món ăn Âu mỹ, hay thử những món ăn của người Thái hoặc tìm đến những quán ăn của người Việt sống tại Malaysia.
Có thể nói Malaysia chú trọng vào sự đa dạng ẩm thực và coi đó là điểm nhấn khi quảng bá ẩm thực với bạn bè quốc tế. Dĩ nhiên là tôi vẫn khuyên các bạn hãy thử thưởng thức những món ăn của người Malaysia. Tuy nhiên, nếu đột nhiên bạn nhớ nhà hay muốn ăn một món gì khác lạ thì bạn có thể tìm thấy bất cứ đâu tại Kuala Lumper.
- Bà đánh giá như thế nào về thị trường Việt Nam?
+ Các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có tỷ trọng khách sang du lịch Malaysia ngày càng lớn. Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi đánh giá người dân Việt Nam đi du lịch ngày càng nhiều. Kinh tế ngày càng phát triển hơn, do vậy nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân Việt Nam cũng tăng lên. Theo nghiên cứu của chúng tôi, một trong những sở thích của người Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài là đi mua sắm, do vậy, không có lý do gì mà chúng tôi không tổ chức những đợt xúc tiến du lịch mua sắm tại Việt Nam. Chúng tôi nhận định Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn.
Hiện có rất nhiều yếu tố thuận lợi để du khách Việt Nam sang Malaysia và ngược lại, như có 4 hãng hàng không có đường bay thẳng từ Việt Nam sang Malaysia. Theo tôi được biết, Vietjet Air cũng sẽ mở đường bay thẳng từ Việt Nam sang Kuala Lumper trong năm nay. Do vậy, chúng tôi thấy tiềm năng phát triển du lịch giữa hai quốc gia là rất lớn.
- Là một chuyên gia du lịch đã gắn bó nhiều với Việt Nam, cá nhân bà thích điều gì khi đi du lịch tại Việt Nam?
+ Giống như nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam, tôi cũng thích món ăn của các bạn và có thể nói ẩm thực là điều tôi thích nhất khi đến Việt Nam. Hai món ăn tôi thích nhất là Phở và cà phê tại Việt Nam. Tôi cho rằng đây là hai món rất đặc sắc của Việt Nam.
Ở Malaysia, người dân thường có thói quen đưa gia đình du lịch ít nhất một lần trong năm, thường vào những kỳ nghỉ dài như lễ Noel. Có thể nói người Malaysia đi du lịch rất nhiều và mỗi lần đi du lịch thì chúng tôi rất quan tâm đến ẩm thực. Do vậy, nếu như Việt Nam phát triển mạnh ẩm thực thì các bạn sẽ hấp dẫn được nhiều du khách Malaysia.
- Xin cảm ơn bà!
Tác giả bài viết: Hoàng Hà (thực hiện)