Bộ Giáo dục (GD-ĐT) chiều 13-3 đã có văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Theo đó, năm học 2019-2020 sẽ kết thúc trước ngày 15-7. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11-8. Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian nêu trên, chủ tịch UBND các tỉnh, thành chủ động quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại, bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương. Trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở GD-ĐT tiếp tục rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; triển khai các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình; tổ chức ôn tập, kiểm tra công nhận kết quả học tập qua internet, trên truyền hình khi học sinh đi học trở lại.
Trước đó, trưa 13-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã quyết định toàn bộ học sinh Hà Nội từ mầm non đến THCS sẽ nghỉ thêm 2 tuần, đến hết ngày 29-3, học sinh THPT nghỉ đến hết ngày 22-3.
Cùng ngày, UBND TP HCM quyết định cho học sinh, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 5-4. TP kiến nghị bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép bằng văn bản đối với những trường hợp học sinh nghỉ học do bị cách ly hay phải điều trị do nhiễm Covid-19 thì thời gian đó sẽ không tính vào thời gian nghỉ học.
UBND nhiều tỉnh, TP cũng quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Trong đó, tỉnh Quảng Trị cho trẻ từ mầm non đến THCS nghỉ học đến hết ngày 23-3. TP Đà Nẵng cho học sinh từ mầm non đến THPT nghỉ đến ngày 29-3. Cũng nghỉ đến ngày 29-3, song tỉnh Thanh Hóa chỉ áp dụng đối với trẻ mầm non đến học sinh THCS.
Đề nghị công nhận kết quả học trực tuyến Ngày 13-3, trong phiên họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải tính toán giải pháp hợp lý đối với các trường quốc tế tại Việt Nam. Trước đó, lãnh đạo 150 trường tư thục từ mầm non tới THPT vừa có thư kiến nghị gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành khẩn cầu hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc vượt qua khó khăn. Trong thư, lãnh đạo các trường cho hay dịch bệnh Covid-19 "đã khiến các trường kiệt sức về tài chính, năng lượng và cả ý chí". Theo các trường, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50% và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản. 150 trường ngoài công lập kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành thông qua gói phương án hỗ trợ gồm 5 nội dung. Trong đó, các trường đề nghị được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí; Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản; các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay... Ngoài ra, các trường mong muốn "công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả chương trình học trực tuyến; tạo điều kiện để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, bảo đảm thời lượng và chất lượng giảng dạy". |
Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn tin: Báo Người lao động