Giáo dục

Lon nước ngọt của trò nghèo và ông giáo 25 năm dạy học miễn phí

Xung quanh là hàng quán, xe cộ dập dìu, người qua lại đông đúc vậy mà dưới tán cây râm mát, hàng ngày vẫn vang lên tiếng đánh vần của những đứa trẻ đang theo học lớp học tình thương. Chúng là con em những gia đình lao động nhập cư sống quanh quẩn nơi đây...

Con để dành 10 ngàn đồng...

Bước vào bên trong sân - đứng trước cửa lớp nhìn vào - 4 đứa trẻ đang vây quanh chiếc bàn.

Một ông cụ tóc bạc đang diễn giải từng chữ, từng con số cho các bé. Hết bé này đến bé khác vây quanh ông một cách thân thiện và ấm áp tình thương yêu.

Lớp tình thương ấp Tân Lập.


Hơn 10 đứa trẻ khác ngồi bên dưới trên những chiếc bàn học. Đứa thì da vàng bủng beo. Đứa thì đen nhem nhẻm. Quần áo chúng đủ màu đủ cỡ, sạch cũng có mà bẩn cũng không ít.

Chúng rất hiếu động, không ngồi im một chỗ. Lớp học dần ồn lên. "Ông Tư ơi, bạn này đánh con", một bé nói.

Ông cụ đang giảng bài cho một bé ngẩng cao đầu lên. Ông bỏ kính, tay cầm cây thước gõ xuống bàn. "Các con có im lặng giữ trật tự không?", ông nhắc nhở. Cả lớp lặng yên. Các bé ngồi vào chỗ. Ông tiếp tục giảng bài và các bé cũng tiếp tục... quậy phá.

Ông Tư đang giảng bài.

Chúng tôi vào ngồi chung bàn với một bé. Bé lớn nhất lớp và ngồi ở bàn cuối lớp. "Con tên gì?", tôi hỏi. "Dạ, con tên Phùng Tuấn Khanh 12 tuổi", bé trả lời.

Thằng bé kể cho chúng tôi về gia cảnh của nó. Cha nó là công nhân lò gạch, nghe đâu làm việc tận Tây Ninh. Mẹ Khanh đi buôn bán lặt vặt quanh vùng. 12 tuổi nhưng Tuấn Khanh chỉ mới vào lớp 1.

"Con viết chữ còn xấu lắm và đọc chưa rành. Con mới được ông Tư cho vào học. Trước đây, con chỉ biết ăn rồi đi chơi... ", Tuấn Khanh bẽn lẽn nói với chúng tôi.

Các học sinh vây quanh ông Tư.

Hoàn cảnh gia đình của những đứa trẻ theo học tại đây đều rất đáng thương. Hầu hết là con em của những người lao động nhập cư từ các tỉnh khác.

Vì cuộc mưu sinh nên sau khi sinh con, họ lao vào công việc bỏ mặc con cái lớn lên theo phát triển tự nhiên. Chúng ăn nói lắm khi hỗn xược, tục tĩu. Trong quan hệ đồng trang lứa chúng không nhường nhịn nên thường xảy ra ẩu đả. Những lần đánh nhau như thế, bị sứt đầu mẻ trán là chuyện bình thường.

Từ khi vào lớp học tình thương, chúng được dạy dỗ nên đã có những đổi thay nhất định. Chúng biết chào hỏi, thưa gửi. "Các con có thương thầy giáo không?", tôi hỏi.

Khanh chưa kịp trả lời thì một bé ngồi bàn phía trước quay lại: "Ông ơi, tụi con thương ông Tư lắm. Mấy hôm nay con để dành mỗi ngày 1 - 2 ngàn đồng để khi nào đủ 10 ngàn đồng con mua chai nước ngọt biếu ông Tư.

Ông Tư cho tụi con nhiều thứ nên con cũng phải có chút gì biếu ông chứ. Thế mà hơn một tuần nay vẫn chưa đủ... ".

Phùng Tuấn Khanh (áo hồng) và bạn (áo khoác xanh-đen). Bạn này để dành mỗi ngày 2 nghìn đồng mua chai nước ngọt mời ông Tư mà vẫn chưa đủ.

Không biết đến nay thì thằng bé đã đủ tiền chai nước ngọt chưa. Đủ hay không chuyện đó không quan trọng. Chúng tôi tin rằng, ông Tư sẽ rất cảm động khi nghe được câu chuyện này.

1/4 thế kỷ vang mãi tiếng ê... a.

Trong suốt thời gian có mặt tại đây chúng tôi chưa hề nghe một tiếng thầy cô nào, chỉ có tiếng gọi "ông Tư" và các chị.

Lớp học tình thương này nằm trong khu Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc ấp Tân Lập (P. Đông Hòa, TX Dĩ An, Bình Dương) có 2 phòng học, một dành cho lớp 1 và 2, một của lớp 3 và 4.

Ông Tư là cách bọn trẻ dùng để gọi ông Huỳnh Văn Phê (77 tuổi). Ông Phê xuất thân không phải nhà giáo. Ông quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông làm nhân viên cho một công ty nước ngoài đến năm 1994 nhận nhiệm vụ cai quản một vùng đất ông đến khu vực này...

Em Nguyễn Thị Bạch Lê, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cùng các bạn mỗi ngày đến phụ ông Tư chăm các cháu.

Ngày ông đến, nơi đây là rừng chồi. Nhiều trảng tranh cao quá đầu người. Cỏ mọc tứ bề. Đường sá chỉ toàn là đường đất mỗi lần có chuyến xe ngang qua bụi bốc lên mù trời. Bên trong đó, có 5 lò gạch nhả khói hàng ngày, 2 kho cà phê và nhiều vị trí khai thác đá.

Công nhân làm việc cho các đơn vị này khá đông. Họ mang theo vợ và con. Hàng ngày, những người vợ nếu không làm cùng chồng, họ buôn bán quanh quẩn. Bên cạnh đó, một bầy trẻ con - con của những công nhân - lêu lổng chạy nhảy khắp nơi.

Đứa lớn 15 -16 tuổi, đứa nhỏ chừng 4 - 5 tuổi chúng họp lại thành từng nhóm đi lang thang. Cũng có nhiều tai nạn xảy ra khiến cha mẹ chúng phải vất vả không ít.

Học sinh... cao niên nhất trường.

Ông Phê nhìn thấy viễn cảnh không mấy tốt đẹp đối với lũ trẻ con này. Ông trăn trở rất nhiều và bàn với vợ, một cô giáo ở Tiền Giang, cùng lên đây mở lớp học tình thương. Ông muốn đưa những đứa trẻ vào khuôn khổ nề nếp và giáo dục chúng nên người.

Lớp học được mở ra. Bà con rất vui mừng đã đem con em đến nhờ "ông bà Tư" dạy dỗ. Hàng trăm đứa trẻ đang thoải mái rong chơi giờ phải ngồi vào lớp học. Nắng mưa, gió bụi không còn là nỗi lo của cha mẹ và từ đây, họ đã vơi bớt được nỗi lo cánh cánh trong lòng.

UBND thị xã Dĩ An tặng bằng khen cho ông bà Tư đã có công xây dựng lớp học tình thương ấp Tân Lập.

Mới đó mà lớp học đã tồn tại được 24 năm. Năm ngoái, bà Tư bị bệnh nặng phải trở về Mỹ Tho để dưỡng bệnh. Một mình ông Tư đã cùng các sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên duy trì lớp học.

Học sinh được học hoàn toàn miễn phí, ngay cả sách vở cũng không phải mua. Thầy cô giáo dạy không lương. Vậy mà một quãng thời gian khá dài, 1/4 thế kỷ lớp học vẫn còn vang mãi tiếng ê... a.

Ông Huỳnh Văn Phê cho biết, gần đây UBND phường Đông Hòa thông báo khu vực ấp Tân Lập nơi có lớp học tình thương này sẽ bị giải tỏa. Ông Phê bày tỏ, không biết rồi trường có được mở ở một địa điểm khác không và số phận những đứa trẻ bất hạnh này sẽ như thế nào?

Ngày 27/4 chúng tôi đến UBND phường Đông Hòa (TX Dĩ An Bình Dương) để tìm hiểu vụ việc. Nhân viên của UB tiếp chúng tôi thông báo cho biết chủ tịch bận họp và yêu cầu để lại câu hỏi. Chúng tôi làm theo yêu cầu sau khi có lời hứa sẽ trả lời trong ngày 2/5 nhưng đến nay vẫn chưa có lời hồi đáp.

Tác giả: Trần Chánh Nghĩa

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP