Giáo dục

Lịch sử trường chuyên, lớp chọn và yêu cầu bức thiết phải "khai tử" ngay bây giờ

Những lớp chọn, lớp điểm ở bậc giáo dục phổ thông nếu chỉ nhằm mục đích để giật giải thành tích thì nên khai tử.

LTS: Bàn về vấn về lớp chọn, lớp điểm tại các trường học phổ thông hiện nay, thầy Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả!


Vào năm học mới, cán bộ quản lý giáo dục ở trường học như tôi rất vất vả vì nạn nhờ vả cho con em vào học các lớp chọn, lớp điểm từ phía phụ huynh học sinh.

Có trường hợp học sinh chỉ ở mức trung bình khá, kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng chỉ dạng bình thường muốn tôi cho vào lớp chọn.

Nhưng, mặc cho tôi phân tích hết lời rằng nên để cháu vào lớp bình thường dễ học, dễ hòa đồng hơn, phụ huynh ấy vẫn quyết nhờ vả vào mối quan hệ khác để xin cho bằng được con vào lớp chọn.

Có trường vì thế đã đặt ra “sáng kiến” mỗi khối chia thành 2 lớp, một lớp chọn, một lớp “lựa”.

Thế mới biết "bệnh thành tích" và “cơn khát” trường điểm, lớp chọn từ cả phụ huynh và nhà trường mãnh liệt đến cỡ nào!

Và thế là mỗi khối có một đến hai lớp lựa, lớp chọn đã trở thành xu thế mới trong nhiều năm học gần đây ở hầu hết các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên cả nước.

Tuy không có trong các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo song “mô hình” này đã nhanh chóng được nhân rộng nhờ vào việc học hỏi kinh nghiệm giữa các trường với nhau.

Sở dĩ, các trường “thích” lớp chọn, lớp điểm vì có nhiều ưu điểm như giúp phân loại học lực, giúp nhà trường đào tạo có hiệu quả hơn.

Lớp chọn, lớp điểm thường là nơi tập trung học sinh giỏi, giúp nhà trường gặt hái được nhiều thành tích từ những cuộc thi học sinh giỏi.

Cả học sinh và giáo viên được phân công giảng dạy đều cảm thấy tự hào khi được phân công giảng dạy ở những lớp như vậy.

Tuy nhiên, xét về mặt khoa học giáo dục, “mô hình” này cũng bộc lộ không ít những bất cập.

Học sinh giỏi chỉ tập trung vào lớp chọn nên những lớp bình thường trong khối sẽ thiếu đi các em xuất sắc giúp thúc đẩy phong trào thi đua cũng như kèm cặp các em yếu hơn trong lớp.

Dạy những lớp toàn học sinh bình thường, không có những thành phần ưu tú, giáo viên cũng thường dễ chán nản, thiếu động lực để trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp.

Để được ở lại lớp chọn cũng không phải dễ, các học sinh phải cạnh tranh với nhau, em nào giỏi mới được giữ lại lớp, vô tình cũng đè nặng lên tâm lý các em suy nghĩ phải đạt thành tích thật tốt.

Với những em không được giữ lại, chắc chắn sẽ gây cho các em tâm lý chán nản.

Trước năm 1996, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng áp dụng cho mỗi huyện, quận có một trường chuyên, trường điểm ở bậc Trung học Cơ sở.

Đến năm 1996 thì Bộ quyết định bãi bỏ, vì nhận thấy quyết định này có nhiều bất cập, không còn phù hợp với xu hướng giáo dục toàn diện.

Đến nay, ở bậc Trung học Phổ thông, mỗi tỉnh chỉ còn một trường chuyên.

Thực tế, hằng năm các trường này ngốn một phần không nhỏ ngân sách, kinh phí của Nhà nước (vì tiêu chuẩn, đặc thù trường chuyên).

Về chất lượng, theo các giáo viên, các trường chuyên hiện nay cũng chỉ là nơi đào tạo “gà nòi” mang thành tích về cho nhà trường.

Theo tôi, những lớp chọn, lớp điểm ở bậc giáo dục phổ thông nếu chỉ nhằm mục đích để giật giải thành tích thì nên “khai tử”.

Nếu cắt bỏ những lớp này đi có thể giúp môi trường giáo dục phổ thông mang tính chất lành mạnh và hướng tới giáo dục toàn diện mọi đối tượng học sinh hơn.

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP