Du lịch

Lễ hội rước “của quý”: Việt Nam không bắt chước Nhật Bản

“Tôi xin khẳng định, tôi cùng các cụ bô lão trong làng không tham khảo linh vật của Nhật Bản”, ông Năng- người tham gia phục dựng lễ hội Ná Nhèm khẳng định.

Một số người xem cho biết, tàng thinh giống linh vật trong các lễ hội ở Nhật Bản

Ngày 22.2 (tức 15 tháng Giêng âm lịch), lễ hội Ná Nhèm của người Tày ở xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) tổ chức với nhiều nghi lễ trang trọng như: nghi thức tế lễ, cúng lễ; rước long ngai, bài vị thần từ đình Làng Mỏ lên miếu Xa Vùn. Sau đó là chương trình chào mừng lễ hội, ôn lại truyền thống của lễ hội với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tiếp đến là tục hèm đánh trận và cung tiến lễ vật...

Trong đó, phần cung tiến lễ vật là đặc sắc nhất bởi đồ vật cung tiến không phải là cỗ xôi, con gà, con lợn mà lại là các loại cây giống và độc đáo hơn còn có tàng thinh, mặt nguyệt – linh vật sinh thực khí. Theo một số người xem cho biết, hình ảnh sinh thực khí nam màu hồng, chiều dài khoảng 1m, nặng 80 kg rất giống với sinh thực khí ở các lễ hội bên Nhật Bản.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Bàn Tuấn Năng – Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – một trong những người tham gia phục dựng lại lễ hội Ná Nhèm cho biết, lễ hội Ná Nhèm bị lãng quên từ năm 1963 và đến năm 2012 mới phục dựng lại.

Trong đó, nhiều người có liên tưởng tàng thinh (sinh thực khí nam) giống của Nhật Bản. “Tôi xin khẳng định, tôi cùng các cụ bô lão trong làng Mỏ (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) phục dựng lại và không tham khảo linh vật của Nhật Bản” – ông Năng khẳng định.

Tàng thinh được làm từ gỗ nghiến, nặng khoảng 80kg với hình dáng gần giống với bộ phận sinh dục của nam giới.

Ông Năng cho biết thêm, năm ngoái linh vật cung tiến bé và không có kiệu khênh, nhưng năm nay ban tổ chức đã làm mới tàng thinh và mặt nguyệt to và đẹp hơn. Mô hình tàng thinh được hình thành do các cụ bô lão trong làng kể lại, mô tả lại chứ không tham khảo bất kỳ linh vật nào. Đặc biệt, trước khi mô hình linh vật được làm, ông đã tham khảo ý kiến của mọi người và các nhà khoa học nhưng đều không có ý kiến.

“Hôm nay, có 3 người đầu ngành trong lĩnh vực dân tộc học tham dự lễ hội cũng không bình luận về linh vật to hay nhỏ, màu sắc đẹp hay xấu,… mọi người đều tán thưởng chung về lễ hội” – ông Năng tâm sự.

Theo ông Năng, biểu tượng về màu sắc, kích thước, hình dáng,… của linh vật (tàng thinh và mặt nguyệt) chỉ mang tính chất ước lượng nhất định. Linh vật bằng cổ tay hay linh vật nặng 80kg, về bản chất không khác nhau, nó vẫn là linh vật để cung tiến.

Người dân địa phương và du khách thập phương thích thú trước hình ảnh tàng thinh (sinh thực khí nam).

Về khía cạnh biểu tượng văn hóa, việc cách điệu linh vật, chuyển màu cho linh vật làm cho người ta biết rằng, đó là một thứ giả, không phải khuôn hình thật 100%. Nếu làm linh vật giống y như thật thì đó không còn là linh vật nữa mà nó chuyển thành một câu chuyện khác.

"Đương nhiên trong ứng xử văn hóa thì linh vật chỉ tồn tại trong một không gian nhất định. Nếu anh mang linh vật ở lễ hội Ná Nhèm sang cửa đình, một chỗ linh thiêng nào đó, tổ chức nào đó thì nó là giá trị tục tĩu, nhưng ở lễ hội này nó có giá trị cầu an, sự sinh sôi nảy nở", ônng Năng nói.

Ông Hoàng Văn Páo, Ban tổ chức lễ hội cho biết: "Để linh vật được to và đẹp như năm nay, ban tổ chức đã gửi ra Bắc Ninh để sơn sửa từ năm 2015, và mỗi năm có sự cải tiến khác biệt để người dân thấy thú vị hơn”.

Tác giả bài viết: Công Phương – Triệu Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP