Hòn Nhạn nhìn từ điểm cao nhất - Ảnh: Nguyễn Triều
Đoàn gồm 30 người, được dẫn dắt bởi “ông già gân” tuổi lục tuần Trần Thế Dũng (Công ty Thế Hệ Trẻ).
Các thành viên trong đoàn người từ Long An, TP.HCM, Bình Dương... xuống, người từ Hà Nội bay vào hội quân tại Phú Quốc. Trừ ông Trần Thế Dũng và tôi, chưa ai một lần đặt chân đến Thổ Chu nên ai nấy đều háo hức.
"Tôi thích du lịch, ưa khám phá những vùng đất mới. Ngoài Trường Sa là cả một sự khát khao thì Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Thổ Chu... là những nơi tôi đặt mục tiêu phải tới trong đời". Chị BÙI THANH DUNG người Hà Nội, cho hay khi biết có tour đi Thổ Chu là tạm xếp công việc đăng ký đi ngay |
Sống quần tụ theo mùa
Tháng ba âm lịch, mùa “bà già đi biển”, gió mùa tây nam còn líu ríu ngoài xa, biển Tây Nam hiền hòa như mặt hồ. Sau năm tiếng hải trình, quần đảo Thổ Chu đã hiện ra trước mắt. Chếch xa về bên trái là Hòn Cao Các, Hòn Đá Bàn bàng bạc trong cái nắng quá ngọ.
Đảo Thổ Chu, đảo lớn nhất và là nơi đặt trụ sở hành chính của xã Thổ Châu, cùng với Hòn Từ, Hòn Cao nối đuôi nhau thành một dãy như con cá voi quẫy mình ra biển.
Thêm hơn hai tiếng đồng hồ thì tàu Thổ Châu 09 mới cập bến. Sau khi tới chào ban chỉ huy và tặng quà Trung đoàn 152 Quân khu 9 đóng quân trên đảo, đoàn đến thắp hương tại đền Thổ Châu nơi thờ Bác Hồ, các liệt sĩ và vong linh hơn 500 người dân bị quân Pol Pot bắt đi thảm sát năm 1975.
Cả đảo có 544 hộ dân với khoảng 2.000 người sinh sống quần tụ theo mùa, mùa gió tây nam (tháng 5 đến tháng 9) ở Bãi Dong, mùa gió đông bắc (tháng 10 đến tháng 4 năm sau) ở Bãi Ngự. Trên đảo nhu cầu di chuyển ít nên xe máy không nhiều. Anh Thông, một chủ tiệm tạp hóa ở Bãi Ngự, giúp đoàn thuê đủ 15 chiếc xe máy để khám phá cảnh quan hòn đảo.
Ngây ngất hoàng hôn
Khoảng 16g30, đoàn chinh phục cung đường đầu tiên từ Bãi Ngự xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh lưa thưa nắng chiều. Đường lên Bãi Dong đã được trải bêtông uốn lượn quanh co qua từng con dốc với hai bên là những cây rừng lừng lững rộn tiếng ve kêu.
Đến được Bãi Dong, nắng chiều đã nhạt, nhưng màu cát trắng và làn nước trong xanh cũng đủ kéo cả đoàn ào xuống chụp ảnh. Do chưa tới mùa gió tây nam nên Bãi Dong thưa vắng bóng người, chỉ có mấy anh lính biên phòng đóng quân gần đó gặp đoàn khách lạ tới lân la bắt chuyện.
Rời Bãi Dong, đoàn men theo con đường ven biển phía đông ngược về Bãi Ngự. Dừng chân bên những cây bàng lớn đang vươn những cánh tay khẳng khiu mùa thay lá, du khách chiêm ngưỡng và thỏa thích chụp ảnh Hòn Xanh nằm nép mình bên đảo lớn.
Nhiều người sống lâu năm ở Thổ Chu cho hay bao bọc quanh Hòn Xanh là những vách đá hiểm trở, trên hòn lại có nhiều rắn nên dù chỉ cách vài trăm mét nhưng dân đi biển ít ai mạo hiểm đặt chân lên hòn.
Mặt trời đang bắt đầu lặn ở phía tây, hắt những vệt ráng đỏ hồng lên nền trời rồi phản chiếu xuống mặt biển tạo nên một hiệu ứng ánh sáng kỳ ảo.
Chiều hôm sau, trên tàu từ Hòn Từ về đảo Thổ Chu, chúng tôi lại có dịp ngất ngây với cảnh sắc hoàng hôn nơi đây. Lần này là hoàng hôn nhìn từ biển. Nhìn từ boong tàu đang di chuyển, mặt trời đỏ rực khuất dần phía bên kia đảo Thổ Chu như quả cầu lửa trượt dài trên lưng chú cá voi.
Cột mốc giữa trùng khơi
Điểm đến vất vả nhất và cũng là điểm nhấn có ý nghĩa nhất trong hành trình khám phá Thổ Chu là chinh phục Hòn Nhạn, điểm chuẩn A1 trên đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.
Nằm ở hướng tây nam, cách đảo Thổ Chu chừng 5km, Hòn Nhạn như một khối đá khổng lồ giữa biển với điểm cao nhất cách mặt nước biển khoảng 40m. Trên Hòn Nhạn chỉ có một ít cây bụi, còn lại là trơ trọi đá.
Theo ông Huỳnh Bình Khởi - người năm 1992 dẫn đoàn di dân từ Hòn Củ Tron, quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, Kiên Giang ra thành lập xã đảo và giữ chức chủ tịch lâm thời, nay đã nghỉ hưu, từ tháng 5 hằng năm chim nhạn bắt đầu lũ lượt kéo về đẻ trứng trên đá.
“Gần đến mùa, người dân đi biển ghé qua đốt cháy hết cỏ khô, dọn bãi cho nhạn đẻ trứng. Mùa đông ken là khoảng tháng 6, trứng nhạn rợp đầy bãi đá” - ông Khởi kể.
Hôm chúng tôi đến, tàu sắt Thổ Châu 09 đậu ngoài xa và phải đi trung chuyển bằng ghe đánh cá, mỗi lượt 8-10 người mới đổ bộ được lên Hòn Nhạn. Quanh đảo là những rạn đá lởm chởm, người lái ghe phải lội xuống biển kéo từng chút một mới cập được vào bờ đá.
Hai anh lính biên phòng người níu dây, người giữ mũi ghe đỡ từng thành viên trong đoàn đặt chân lên đảo.
Men dọc triền đá, chúng tôi tìm đường chinh phục điểm cao nhất của Hòn Nhạn. Tuy bề mặt trơ trọi, chỉ lác đác vài vạt cỏ khô nhưng đá nơi đây được nắng gió mài giũa nên không hề có một vết rêu, bước chân khá thoải mái, không lo bị trượt.
Điểm cao nhất ở phía bắc của Hòn Nhạn là cột đá vôi cao ngang đầu người được thiên nhiên tạo khắc thành một hình thù kỳ lạ nhưng cực kỳ đẹp mắt. Từ điểm cao này, nữ bác sĩ Đào Hồng Ngọc, thành viên trong đoàn, đã reo lên vui sướng khi thấy cả Hòn Nhạn được thu vào tầm mắt.
“Tôi lần đầu tiên được đứng ở điểm cao nhất trên Hòn Nhạn, điểm đảo xa nhất trên biển Tây và cảm thấy thật thú vị. Cả đảo không có bóng mát nhưng bù lại những khối đá hình dáng rất đẹp” - chị Ngọc chia sẻ.
Bộ đội biên phòng giúp du khách chinh phục đỉnh Hòn Nhạn - Ảnh: Nguyễn Triều
Đảo du lịch - tại sao không?
Ngày thứ ba hành trình, chúng tôi khám phá toàn bộ cung đường lên đỉnh cao nhất trên đảo Thổ Chu, nơi cách đây gần hai năm Hội Sinh viên Việt Nam đã chọn làm điểm khởi công xây dựng cột cờ Tổ quốc.
Dọc đường, nhiều đoạn khúc khuỷu lởm chởm đá khiến một vài người phải bỏ lại xe máy để cuốc bộ. Đến nơi, khung cảnh Thổ Chu nhìn từ độ cao hơn 170m khoáng đạt ru say lòng lữ khách.
Trước chuyến đi mang tính khai phá này, cách nay hai năm ông Trần Thế Dũng đã một mình khoác balô ra đảo và những ngày lên rừng xuống biển tại đây đã thôi thúc ông “phải làm cái gì đó” để Thổ Chu được mọi người biết đến.
Và “cái gì đó” mà ông đã làm là tìm người dân chịu giúp thuê xe máy, cho thuê ghe, cho thuê phòng trọ, nấu ăn... nếu có đoàn khách ra, vì hồi nào giờ bà con trên đảo có biết phục vụ du lịch là gì đâu. Khi đã có người hứa giúp, ông lại phải gõ cửa các nơi có thẩm quyền xin phép đưa đoàn ra đảo.
Ông Nguyễn Thanh Nhiệm - phó chủ tịch UBND xã Thổ Châu - cho biết ngoài các cơ sở chế biến mực khô, cá khô giải quyết việc làm cho 300-400 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/tháng, người dân trên đảo chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ, chạy đò đưa người vào ra các tàu cá neo đậu ngoài khơi.
Theo ông Trần Thế Dũng, nếu mở tour du lịch thường xuyên ra Thổ Chu thì không chỉ thỏa ước mơ khám phá, hun đúc tình yêu biển đảo, nâng cao ý thức chủ quyền quốc gia của du khách mà còn thúc đẩy phát triển dịch vụ (nhà nghỉ, ăn uống, cho thuê xe, tàu), góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đảo.
Cái khó hiện nay là từ Phú Quốc ra Thổ Chu chỉ có mỗi tàu khách Thổ Châu 09 và 5 ngày mới có một chuyến, thời gian chạy trên biển 7 tiếng đồng hồ, ra hôm trước hôm sau về ngay. Nếu khách về theo tàu thì không đủ thời gian tham quan, khám phá, mà ở lại chờ chuyến tàu sau mới về thì lại quá dài.
Ông Dũng cho biết: “Chuyến đi này được Sở Giao thông vận tải Kiên Giang hỗ trợ điều chỉnh lịch chạy tàu chuyến về chậm một ngày, nhờ đó đoàn có đủ thời gian tham quan các điểm đến, giao lưu với cán bộ chiến sĩ, tặng quà và học bổng cho học sinh, người nghèo.
Sau này khi có tàu chạy nhanh hơn, lịch đi về phù hợp hơn, tôi tin sẽ chọn Thổ Chu làm điểm đến bởi nơi đây có quá nhiều tiềm năng để trở thành một quần đảo du lịch”.
Quần đảo Thổ Chu gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích tự nhiên khoảng 14km2, là quần đảo xa nhất trên biển Tây Nam, cách đảo Phú Quốc khoảng 105km và cách TP Rạch Giá 220km. |
Tác giả bài viết: Nguyễn Triều