Du lịch

Khu phố của người Do Thái đầu tiên trên thế giới

Số người Do Thái ở Venetian Ghetto không còn nhiều nhưng giá trị lịch sử sót lại nơi đây khiến nó sở hữu một nét đẹp khác biệt, ít người biết đến ở Venice, Italy.


Venetian Ghetto là khu phố của người Do Thái có tuổi đời 500 năm, rộng gần 30.000 m2 thuộc quận Cannaregio, phía bắc thành phố Venice, Italy. Đây là nơi mà người Do Thái bị bắt buộc sống tập trung trong nhiều thế kỷ.


Campo Novo là quảng trường duy nhất nơi cung cấp không gian rộng cho người dân khu Venetian Ghetto.


Ziyah Gafic là một nhiếp ảnh gia người Bosnia, anh tới Venetian Ghetto và cảm thấy bất ngờ. Gafic kể: ”Tôi đến Venice vào mùa hè, nơi đó là một địa điểm đẹp như câu chuyện cổ tích mà lại rất yên tĩnh. Và bạn sẽ thấy còn lại rất ít người sống ở đây”.


Vào đầu thế kỷ 13, người Do Thái bị ngược đãi từ khắp châu Âu bắt đầu chuyển tới định cư ở Venice, Italy. Khi dân số của họ đông dần lên, cuộc sống bị kiểm soát nhiều hơn. Năm 1516, chính quyền Venetian buộc họ chỉ được sinh sống trong một khu vực hạn chế, ngày nay gọi là khu Venetian Ghetto.


Các cây cầu dẫn tới Venetian Ghetto đều bị đóng cửa ban đêm nhưng người dân vẫn được phép buôn bán vào ban ngày và phải đeo huy hiệu. Những người Do Thái ở Venice hầu như là thương nhân, người cho vay tiền, nghệ nhân và nghệ sĩ. Họ góp phần không nhỏ vào nền kinh tế của Venice, nhiều người trong số họ là bác sĩ, học giả nổi tiếng. Tới thế kỷ 14, cộng đồng dân Do Thái ở Venetian Ghetto vẫn bị nhồi nhét trong các căn hộ nhỏ trần thấp.

Trong hình là Rabbi Scialom Bahbout đang ăn tối ở nhà mình, ông rời Lybia năm 1968 và đã sinh sống ở Venice từ đó.


Những năm 1790, quân đội của Napoleon phá hủy các cổng vào khu Venetian Ghetto và cho phép người Do Thái được tự do. Nhiều người chạy tới các cung điện xa hoa bằng cách băng qua kênh đào. Venetian Ghetto hiện nay chỉ còn tồn tại với những giá trị lịch sử.


Ngày nay tất cả các ngả đường vào Ghetto đã mở cửa tự do cả ngày lẫn đêm. Tại đây, bạn có thể thăm thú các cửa hiệu sách, phòng triển lãm nghệ thuật và cửa hàng đồ cổ của người Do Thái.


Đến Venetian Ghetto, du khách được tận hưởng một vẻ đẹp rất khác của thành phố Venice mà không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức.

Tác giả bài viết: Hương Chi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP