Thế giới

Iran bị nghi biến tên lửa đối không của Mỹ thành vũ khí diệt tăng

Tehran có thể đã phát triển đạn chống tăng mới từ tên lửa đối không Sidewinder mua từ Washington trong thập niên 1970.

Quả đạn Azarakhsh với phần đầu mới. Ảnh: Tasnim News.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hồi cuối tháng 2 hé lộ mẫu tên lửa không đối đất Azarakhsh (Sấm chớp) được cho là vũ khí mới kết hợp giữa khả năng diệt xe tăng và phòng không tầm ngắn. Các hình ảnh cho thấy đây dường như là tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder của Mỹ được Iran chỉnh sửa thành vũ khí chống tăng, theo Drive.

IRGC cho biết mẫu tên lửa diệt tăng mới sẽ được trang bị cho trực thăng chiến đấu và các bệ phóng mặt đất, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết về dự án này.

Azarakhsh có phần mũi kim loại mới thay thế cho cụm đầu dò và thuốc nổ, nhưng cánh lái lại giống hệt phiên bản AIM-9J/N/P đời cũ của Mỹ. Phần thân sau của tên lửa vẫn giữ nguyên hình của cơ bản của dòng Sidewinder.

IRGC tuyên bố Azarakhsh nặng khoảng 70 kg, dài 3,1 m, đạt tốc độ tối đa 1.980 km/h và có tầm bắn trên 10 km. Như vậy, Azarakhsh nhẹ và dài hơn, có tốc độ và tầm bắn kém hơn Sidewinder. Một phần nguyên nhân được cho là do quả đạn không được lắp cho tiêm kích, khiến nó mất đi ưu thế tốc độ và độ cao của phiên bản tên lửa đối không.

Azarakhsh được cho là sử dụng đầu dò "đo nhiệt", tương đương với cảm biến hồng ngoại trên bản Sidewinder nguyên gốc. Nó cũng có thể được lắp đầu dò quang - ảnh nhiệt như dòng AGM-65 Maverick của Mỹ, cho phép xạ thủ bám bắt và khóa mục tiêu thông qua chính camera ở mũi quả đạn. Đây là thay đổi bắt buộc, do quả đạn Sidewinder mới nhất của Iran cũng đã trong biên chế gần 40 năm, khiến nhiều hệ thống không còn hoạt động hiệu quả.

Tùy vào độ chính xác của đầu dò, Azarakhsh cũng có thể tấn công mục tiêu bay thấp và chậm như trực thăng hoặc máy bay không người lái (UAV), cũng như các phương tiện tỏa nhiều nhiệt. IRGC không tiết lộ khả năng chống chịu các hệ thống đối kháng như mồi bẫy hoặc tổ hợp gây nhiễu hồng ngoại của loại tên lửa này.

Đầu nổ của Azarakhsh chưa được tiết lộ, nhưng nó khó có thể trang bị loại đầu đạn có hiệu quả với cả mục tiêu thiết giáp và máy bay, theo chuyên gia quân sự Joseph Trevithick. Iran có khả năng phát triển đầu nổ đa dụng, gồm phần lõi nổ lõm chống tăng (HEAT) bao quanh bởi lớp kim loại khía rãnh. Đầu đạn HEAT sẽ xuyên thủng giáp xe tăng, trong khi phần kim loại có thể tạo thành hàng nghìn mảnh văng, gây hư hại cho phi cơ đối phương.

Việc hoán cải tên lửa AIM-9 thành Azarakhsh có thể tăng cường khả năng đối phó tăng thiết giáp cho IRGC với mức giá vừa phải. Báo cáo từ Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Tehran đã nhận gần 2.000 quả đạn AIM-9J/P từ Washington trong giai đoạn 1971-1979, trước khi cuộc Cách mạng Hồi giáo nổ ra.

Tên lửa AIM-9P treo dưới cánh tiêm kích F-4C Mỹ. Ảnh: USAF.

Đây không phải lần đầu tiên Iran hoán cải tên lửa mua từ Mỹ để phục vụ mục đích khác với thiết kế. Trong Chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988), quân đội Iran từng biến các tên lửa phòng không RIM-66 Standard và MIM-23 Hawk thành vũ khí không đối không. Gần đây nhất, Tehran đã ra mắt phiên bản RIM-66 cho bệ phóng mặt đất với tên gọi Sayyad-2.

Dù giới chuyên gia phương Tây vẫn tỏ ý nghi ngờ tính khả thi của một số vũ khí mới trong biên chế IRGC, sự xuất hiện của Azarakhsh hay Sayyad-2 vẫn cho thấy tiềm lực công nghiệp quốc phòng của Tehran, chứng tỏ họ đủ sức chế tạo nhiều khí tài hiện đại từ nền tảng vũ khí lạc hậu cách đây hàng chục năm, Trevithick nhận định.

Tác giả: Tử Quỳnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP