PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa, tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ảnh: Lê Văn. |
Ở Tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm, ở THCS và THPT là Hoạt động trải nghiệm- Hướng nghiệp. Tuy nhiên, 2 tên gọi này vẫn đang trong quá trình xin ý kiến của dư luận.
Hoạt động trải nghiệm sẽ tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực giáo dục khác nhau để có thể trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời giúp các em có cơ hội để tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp.
Đặc biệt tất cả các hoạt động này phải dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục. Qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, những năng lực chung đã được xác định tại chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Các năng lực và phẩm chất chung này sẽ được thực hiện trong hoạt động trải nghiệm thông qua 3 mục tiêu của hoạt động trải nghiệm.
Hoạt động trải nghiệm sẽ được tổ chức cả ở trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường theo các quy mô: cá nhân, nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường.
- Các hoạt động trải nghiệm sẽ được phân loại như thế nào và mục tiêu của từng loại hình đó ra sao, thưa bà?
- Theo dự thảo, trong chương trình hoạt động trải nghiệm sắp tới, chúng tôi phân chia theo sơ đồ 4-4-4.
Cụ thể sẽ có 4 nhóm nội dung hoạt động trải nghiệm (gồm nhóm nội dung hoạt động phát triển cá nhân; nhóm hoạt động lao động, nhóm hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; nhóm hoạt động giáo dục hướng nghiệp) nhằm thực hiện 3 mục tiêu cơ bản của hoạt động trải nghiệm (năng lực thích ứng với cuộc sống; năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động; năng lực định hướng nghề nghiệp). Trong khi thực hiện 3 mục tiêu năng lực này thì hoạt động trải nghiệm sáng tạo phải thực hiện luôn tất cả các mục tiêu về phẩm chất và năng lực của chương trình, tức là phẩm chất và năng lực cốt lõi.
4 nhóm nội dung này sẽ được triển khai thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động trải nghiệm trong nhà trường. Những loại hình này chúng ta sẽ khá quen thuộc bởi trong chương trình hiện hành cũng có. (thứ nhất là sinh hoạt dưới cờ, thứ 2 là sinh hoạt lớp, thứ 3 là hoạt động giáo dục theo chủ đề và thứ 4 là hoạt động những câu lạc bộ).
Vậy với các loại hình hoạt động chúng ta sẽ chủ yếu sử dụng những hình thức và phương pháp trải nghiệm nào? Chúng tôi sẽ đưa ra 4 nhóm tổ chức hoạt động (nhóm hình thức tổ chức hoạt động).
Thứ nhất là những hình thức nhóm mang tính cống hiến (gồm các hoạt động tình nguyện, nhân đạo, vì cộng đồng,…).
Thứ hai là hoạt động có tính khám phá như những chuyến đi thực địa, tham quan, dã ngoại,…
Thứ ba là hoạt động mang tính thể nghiệm, trẻ được trải nghiệm và thể nghiệm mình luôn qua các hoạt động giao lưu, đóng kịch, sân khấu hóa,…
Thứ tư là những hoạt động có tính nghiên cứu và phân hóa, như những dự án, hoạt động nghiên cứu khoa học rồi các hoạt động câu lạc bộ có tính định hướng có tính phân hóa,…
Như vậy, mỗi một hình thức hoạt động sẽ đạt được mục tiêu riêng. Ngay trong tên gọi, để giúp cho các giáo viên có thể rõ hơn từng hoạt động thì chúng tôi đã đặt tên gọi mang tính bản chất nhất cho từng nhóm.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
- Với các hoạt động này, làm thế nào để giáo viên có thể tổ chức cho học sinh một cách đầy đủ?
- Các nhà trường nên tổ chức đầy đủ các đại diện của 4 nhóm này. Tất nhiên trong 1 nhóm có nhiều hình thức và chúng ta không thể sử dụng tất cả các hình thức nhưng nên dùng đầy đủ 4 nhóm tổ chức hoạt động và trong nhóm có thể tổ chức 1-2 loại hình thức hoạt động. Như vậy để học sinh được hưởng đầy đủ ưu thế của từng nhóm tổ chức hoạt động mang lại.
Trong 4 nhóm nội dung hoạt động trải nghiệm lớn thì tùy từng cấp học mà chúng ta sẽ tập trung vào nhóm nội dung nào nhiều hơn.
Ví dụ nhóm nội dung hoạt động phát triển cá nhân thì rõ ràng tập trung rất mạnh ở bậc tiểu học. Nhưng bậc THCS có thể nhẹ hơn và bắt đầu tăng dần nhóm hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng.
Đến bậc THPT thì các hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng tất nhiên vẫn tiếp tục, nhưng đặc biệt đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Tùy vào từng cấp học mà trọng số ở nhóm nội dung hoạt động nào nhiều hơn nhưng cả 4 đều có mặt trong mỗi cấp học.
Chương trình Hoạt động trải nghiệm mang tính mở và chương trình mà Bộ đưa ra chỉ quyết định đến những mục tiêu, yêu cầu cần đạt. Chúng tôi có đưa ra những gợi ý về nội dung nhưng cụ thể và chi tiết của từng nội dung thì hoàn toàn do các nhà trường, địa phương tự xây dựng.
Cũng có thể sau này nhiều nhóm các tác giả sẽ hỗ trợ các nhà trường xây dựng những bộ tài liệu để các thầy cô thực hiện nhiệm vụ này một cách dễ dàng hơn. Bộ GD-ĐT sẽ chỉ quản lý về mục tiêu, còn chọn bộ tài liệu nào thì do nhà trường quyết định và chương trình là khá mở.
- Chương trình có thể rất hay nhưng có thể trường triển khai đàng hoàng, trường lại chỉ làm cho có, không hiệu quả. Vậy chúng ta sẽ dựa vào đâu để đánh giá trường nào thực hiện hoạt động trải nghiệm hiệu quả?
- Nếu nói đánh giá về kiến thức các môn học thì khá dễ dàng. Nhưng đánh giá năng lực không phải chỉ có hoạt động trải nghiệm mà còn các môn học. Do đó cũng không phải dễ để đưa ra được 1 cách thức hay 1 đề thi để đánh giá được năng lực. Không chỉ ở Việt Nam mà quốc tế cũng vậy. Vì thế chúng ta cũng không nên quá cầu toàn và nghĩ rằng đánh giá năng lực là một cái gì đó rất ghê gớm.
Để có thể đánh giá được kết quả của hoạt động trải nghiệm chắc chắn việc theo dõi đứa trẻ thường xuyên là hết sức quan trọng, bởi để đảm bảo đánh giá được khách quan. Ngoài ra, với hoạt động trải nghiệm phải có một mức thời gian nhất định thì mới có thể nhìn ra được kết quả, sản phẩm của cả một quá trình rèn luyện của trẻ.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
Do đó, việc chúng ta đánh giá từng năm một cũng đã là điều rất khó khăn. Như ở các nước thì rất khác, họ đánh giá kết quả của hoạt động giáo dục thường theo giai đoạn. Giả sử cả bậc tiểu học chỉ đánh giá 2 lần, hay THCS cũng vậy chứ họ không đánh giá theo từng năm. Song với đặc thù của giáo dục Việt Nam, chúng tôi cũng cố gắng đưa ra 12 mốc tương ứng với 12 năm để có thể đánh giá phần nào sự phát triển của một đứa trẻ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo nó chỉ mang tính chất tham khảo chứ chúng ta cũng không cứng nhắc, bởi đây là sự phát triển những năng lực tâm lý xã hội, mà chưa kể còn gắn với văn hóa, với từng vùng miền nữa.
Tuy vậy, chương trình được xây dựng sẽ đảm bảo rằng nhà trường dù trong bất kỳ điều kiện nào cũng đều có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Tùy điều kiện như thế nào mà nhà trường lựa chọn quy mô cho phù hợp.
- Vậy những hoạt động Đội, Đoàn trước đây giờ sẽ được thực hiện như thế nào trong các nhà trường?
- Những hoạt động này với những tiêu chí, tôn chỉ riêng vẫn đưa vào nhà trường theo ngạch dọc. Tuy nhiên, các nội dung các chủ đề giáo dục của Đội, Đoàn thì hoàn toàn tích hợp vào các nội dung giáo dục của hoạt động trải nghiệm.
Chỉ có một số các nghi lễ, nghi thức của các hoạt động đoàn thể thì vẫn sẽ có những thời gian hoạt động những hình thức này.
Hoạt động trải nghiệm sẽ gắn với thực tiễn cuộc sống rất nhiều, vì vậy các cơ sở giáo dục sẽ quyết định lựa chọn các nội dung và hình thức cũng như không gian hoạt động sao cho phù hợp với học sinh, giáo viên, điều kiện của nhà trường, địa phương.
Tác giả: Thanh Hùng (Ghi)
Nguồn tin: Báo VietNamNet