Giáo dục

Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Thách thức ở nơi học sinh lớp 10 chưa thạo tiếng Việt

Thầy giáo Lê Văn Dậu (tỉnh Gia Lai) cho rằng, chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể sẽ gặp khó khăn khi áp dụng tại địa phương này. Bởi lẽ, nơi đây nhiều học sinh bước vào cấp 3 nhưng chưa thành thạo tiếng Việt.

Mới đây, bộ GD&ĐT tổ chức lễ tuyên dương Gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi bên lề buổi lễ với thầy cô giáo tại những địa bàn kinh tế khó khăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua, đa số còn băn khoăn, lo lắng.

Một gương mặt ấn tượng trong lễ tuyên dương là thầy giáo Ninh Văn Dậu, giáo viên dạy Văn trường THPT Đinh Tiên Hoàng (tỉnh Gia Lai). Suốt 10 năm qua, thầy Dậu hằng ngày lên rẫy vận động từng học sinh dân tộc thiểu số đi học. Trong đó, không ít học sinh được thầy vận động đã trở lại lớp và có bước đầu thành công khi ra trường.

Nêu quan điểm của mình về việc áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, thầy Dậu cho hay: “Xưa nay, giáo dục của chúng ta nặng về lý thuyết khiến học sinh thiếu kiến thức thực tế, đặc biệt là khả năng tích hợp các môn học, chỉ “học để thi”. Nếu áp dụng theo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh sẽ có nền tảng ban đầu vững chắc, sau đó tự nhận thức và học chuyên sâu theo từng lĩnh vực tùy vào khả năng và lợi thế”.

Thầy giáo Ninh Văn Dậu.

Tuy nhiên, thầy Dậu cũng không khỏi băn khoăn: “Chương trình mới sẽ rất khó khăn khi áp dụng với địa phương chúng tôi. Ở đây, đa phần học sinh là dân tộc thiểu số, thách thức lớn nhất vẫn là vận động các em đi học và vấn đề ngôn ngữ. Lên cấp 3 nhưng nhiều em còn chưa thạo tiếng Việt. Cơ sở vật chất thiếu thốn, việc tiếp cận công nghệ thông tin càng khó khăn hơn. Cùng với đó là tâm lý ngại đổi mới của nhiều thầy cô đã có tuổi. Cá nhân tôi mong muốn Bộ có những chỉ đạo, lộ trình cụ thể hơn để áp dụng phù hợp với địa phương”.

Băn khoăn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đề cập đến 3 khó khăn: “Hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn thiếu nhiều giáo viên, thầy cô đang phải dạy quá số buổi và có tâm lý ngại đổi mới của một bộ phận nhà giáo. Vì vậy để thực hiện thành công Chương trình này, thầy cô cần thay đổi phương pháp và tư duy cùng với sự nỗ lực lớn".

Bà Nông Thị Loan, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Bà Nông Thị Loan, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Cao Bằng là tỉnh miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Qua nhiều lần đổi mới, điều tôi thấy khó nhất vẫn là xây dựng đội ngũ giáo viên tận tình, tâm huyết”.

“Bộ GD&ĐT có kế hoạch tăng cường đề án về cơ sở vật chất, ban hành chuẩn cơ bản để địa phương thực hiện. Chuẩn này cần phải đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Sĩ số học sinh trên lớp cũng cần có lộ trình để ngang bằng các nước trong khu vực. Chủ trương, mô hình mới cần được nghiên cứu cẩn trọng, đảm bảo yếu tố khoa học và thực tiễn”, bà Loan nói.

Tác giả: Công Luân - Đặng Thủy

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP