Hồ Laguna de los Condores là nơi chôn cất của người Inca. |
Theo nhà nhân chủng học - tiến sĩ Sonia Guillen, chuyên gia hàng đầu Peru về xác ướp, khai quật hồ Condores là một trong những khám phá quan trọng nhất liên quan đến thời kỳ Inca ở Nam Mỹ. Bởi nơi đây là một trong hai nghĩa địa Inca lớn thoát khỏi sự tàn phá của thực dân Tây Ban Nha.
"Cuộc tìm kiếm quả là một phép màu", Guillen nói. "Các xác ướp rất quan trọng bởi họ giúp chúng ta lần đầu tiên biết được người Inca chuẩn bị cho cái chết theo cách hoàng gia như thế nào. Họ xử lý da để bảo quản và biến chúng thành như da thuộc, lôi các bộ phận cơ thể bên trong ra ngoài qua đường hậu môn".
Tiến sĩ Guillen cùng các xác ướp đã được khai quật. |
Các xác ướp được bọc hình trong trong vải dệt, xung quanh có nhiều đồ dùng như chậu, vải vóc, giỏ dệt, đồ da và dụng cụ tính toán của người Inca. Những xác ướp Laguna de los Condores nhiều khả năng giữ vị trí cao trong xã hội Inca xưa, dựa trên quá trình chôn cất cầu kỳ. Một trong những lí do người Inca ướp xác là để giữ người chết vẫn kết nối với cộng đồng người sống. Mỗi xác ướp có một câu chuyện riêng. Một số vẫn bọc trong vải tang truyền thống, những người khác để hở khung xương, cơ thể được xếp trong tư thế của thai nhi.
Rừng rậm mà du khách phải băng qua để tới Laguna de los Condores. |
Để tới Laguna de los Condores, từ làng Leymebamba, đi đường bộ 10 tiếng băng qua rừng rậm và rừng xavan đầy bùn. Khung cảnh đích đến sẽ chẳng phụ lòng bất kỳ ai đã cất công tới đây. Mây trắng bao phủ, núi trùng điệp quanh hồ, thác nước chảy trắng xóa và mọi thứ đều phản chiếu rõ nét trên mặt nước hồ màu tối. Quanh hồ, du khách có thể khám phá điểm chôn cất xác ướp. Vượt dốc, lội bùn vào sau thác nước, qua những chiếc thang mà các nhà khảo cổ học để lại, có thể thấy nơi đặt xác ướp. Xương, đầu lâu nằm rải rác trên mặt đất cùng nhiều tác phẩm cổ xưa và các hình vẽ biểu tượng trên tường.
Hàng năm chỉ 150 du khách có thể tới hồ Condores. Con số này sẽ tăng lên đáng kể sau khi có cáp treo tới khu khảo cổ Kuelap gần đó. Chỉ cách Condores khoảng 80 km về phía bắc, tàn tích trên đỉnh núi Kuelap, được biết đến như "Machu Picchu của miền bắc" từng là trung tâm tôn giáo và chính trị của người Chachapoyan tiền Inca. Tháng 7/2016, việc khai trương cáp treo cùng kế hoạch mở đường bay thương mại tới vùng này hứa hẹn mang về lượng khách du lịch tăng đột biến cho toàn Chachapoyan.
Tác giả bài viết: Như Bình (theo BBC)