Du lịch

Hàng loạt lỗ hổng quản lý trong vụ 3 khách tử vong tại Đà Lạt

Thiếu lực lượng kiểm tra, giám sát, thiếu sự chuyên nghiệp trong hướng dẫn du khách cũng như buông lỏng quản lý điểm đến là những vấn đề nhận thấy qua vụ tai nạn hôm 26/2.

Sau vụ tai nạn khiến 3 du khách Anh tử vong tại thác Datanla, công ty tổ chức tour Dalat Passion (công ty du lịch Đam Mê Đà Lạt) bị rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ bị thu hồi thẻ hướng dẫn. Tuy nhiên, không đơn giản chỉ là một vụ tai nạn, sự việc lần này còn là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý điểm, tour cũng như loại hình du lịch mạo hiểm của các cơ quan chức năng.

Nhiều sai phạm trong tổ chức tour

Công ty du lịch Đam Mê Đà Lạt là đơn vị trực tiếp tổ chức tour cho 3 du khách Anh và giao cho hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ phụ trách hướng dẫn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức tour đã xuất hiện nhiều sai phạm. Về phía công ty Đam Mê, công ty đưa khách đi thám hiểm nhưng không ký hợp đồng, chỉ bán vé. Đơn vị cũng đã trang bị áo phao và mũ bảo hiểm nhưng không thực hiện mua bảo hiểm cho khách.

Về phía hướng dẫn viên, anh Sỹ đã không đưa khách vào khu du lịch Datanla bằng cổng chính mà trốn vé. Tour các du khách Anh mua là đi bộ xuyên rừng nhưng hướng dẫn viên lại tự ý dẫn họ tham quan và xuống tắm thác. Mặc dù theo lời khai ban đầu, Sỹ khẳng định đã cảnh báo du khách về vòng xoáy nguy hiểm ở thác nước nhưng điều đó cho thấy sự thiếu trách nhiệm, thiếu tính chuyên nghiệp của một hướng dẫn viên được cấp thẻ quốc tế.

Còn về phía Dalat Tourist, đơn vị chủ quản khu du lịch thác Datanla, ông Mai Viết Đảng, Chánh thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng công ty này phải chịu trách nhiệm liên đới. Là đơn vị được giao quản lý và tổ chức các tour du lịch mạo hiểm tại thác Datanla nhưng Dalat Tourist không quản lý được khách ra vào thác.

Lực lượng chức năng tìm kiếm 3 nạn nhân người Anh. Ảnh: Khánh Hương.

Những lỗ hổng trong quản lý

Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng vụ việc lần này đã giúp ngành du lịch nhìn nhận lại công tác quản lý loại hình du lịch mạo hiểm vốn rất đặc trưng của Lâm Đồng cũng như Việt Nam. Theo ông, thời gian qua, loại hình du lịch này thực sự chưa được quan tâm để theo kịp với sự phát triển của nó: “Bởi chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào cho du lịch mạo hiểm như loại hình này gồm những gì hay phải làm gì”.

Đối với địa phương, dù nhận thức được sự nguy hiểm của một số điểm trong khu du lịch khi đưa ra những cảnh báo nhất định nhưng khâu quản lý chưa thật sự chặt chẽ. Ông Bình cho rằng thiếu sót lớn của các địa phương cũng như ngành du lịch là lơ là trong công tác quản lý điểm đến. “Hiện nay quy định pháp lý về quản lý điểm đến chưa rõ ràng, đầy đủ. Do đó khi hình thành một điểm đến, nhiều nơi còn lúng túng trong việc chuẩn bị, ban hành các quy định, quy tắc. Khi xảy ra tai nạn, sự cố, câu hỏi lại được đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai trong khi các đơn vị đổ lỗi cho nhau”.

Ông Bình cũng chỉ ra một thực tế tồn tại trong ngành du lịch nhiều năm qua là sự buông lỏng quản lý đội ngũ hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên sau khi được cấp thẻ được hành nghề tự do mà hầu như không có ai quản lý, giám sát hay tập huấn nâng cao nghiệp vụ.

Không chỉ vượt thác, du lịch mạo hiểm ngày nay phát triển với nhiều dịch vụ như leo núi, thám hiểm hang động, lặn biển, dù lượn… Do đó, ông Bình cho rằng đã đến lúc phải có những quy định chi tiết về kinh doanh, tổ chức tour cho loại hình du lịch mạo hiểm. Hướng dẫn viên cũng phải đủ trình độ, kỹ năng mới được phép hướng dẫn khách cho loại hình này.

Tác giả bài viết: Vy An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP