Đền thờ đức thánh Trần ở tại số 36 đường Võ Thị Sáu (P. Tân Định Q. 1) được xây dựng vào năm 1932. Sau một lần xây dựng lại và rất nhiều lần trùng tu đã tạo ra được diện mạo của đền thờ như hôm nay.
Đền thờ đức thánh Trần |
Dâng hương trước tượng Hưng Đạo Vương. Xin lộc |
Từ ngoài bước vào, bức tượng Hưng Đạo uy nghi sừng sững ghi lại hình ảnh ông chỉ tay xuống dòng sông Hóa thề với ba quân, trận này không thắng không trở về khi chính con voi ông cưỡi bị sa lầy. Nghe được lời thề từ chủ tướng, quân sĩ nức lòng ra sức quyết chiến dành thắng lợi vẻ vang trong trận đánh với Ô Mã Nhi.
Trong đền thờ đức thánh Trần có bàn thờ thờ các vị tướng lĩnh tài giỏi đời Trần như: Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng. Ngoài ra, các phù điêu ghi lại các sự kiện trọng đại như hội nghị Diên Hồng, trận Bạch Đằng giang cũng được trưng bày tại đây.
Ngay dưới chân tượn, từng đoàn người thành kính dâng hương. Khói bốc lên bao trùm cả khu vực tạo ra nét huyền ảo lung linh đượm nét linh thiêng.
Lăng tả quân Lê Văn Duyệt
Còn gọi là lăng ông Bà Chiểu, lăng tả quân Lê Văn Duyệt ở tai số 1 đường Vũ Tùng (P. 1 Q. Bình Thạnh).
Lăng ông Bà Chiểu tọa lạc trên khu đất khá rộng 18.500m2 bao bọc bởi các con đường Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu - Trinh Hoài Đức và Vũ Tùng. Ở đây ngoài lăng của tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành và phu nhân còn có đền thờ ngài.
Lăng tả quân Lê Văn Duyệt Xin xăm Phóng sinh |
Lăng bắt đầu đông từ sau giao thừa. Lượng khách đến lăng có thể đông nhất trong các lăng mộ trong thành phố.
Là một võ tướng và là nhà chính trị, tả quân Lê Văn duyệt theo phò Nguyễn Ánh từ thời còn chống nhau với Tây Sơn. Sau khi kết thúc chiến tranh với Tây Sơn, nhà Nguyễn được thành lập và ông nghiễm nhiên trở thành công thần.
Ông phục vụ trong 2 triều đại Gia Long và Minh Mạng. Ông có công rất lớn trong việc ổn định và phát triển vùng đất phía nam. Từ một khu vực bị chiến tranh tàn phá ông đã giúp xây dựng thành vùng đất bình yên trù phú. Ông là người phản đối sự lên ngôi của vua Minh Mạng đồng thời đứng ra bảo vệ các giáo dân công giro trước chính sách cấm đạo, bế môn tỏa cảng của nhà vua.
Ông mất, lăng mộ được chôn cất tại đây. Không lâu sau đó, vua Minh Mạng cho san bằng lăng mộ và dựng bia ghi tội của Lê Văn Duyệt. Sang đời Thiệu Trị, tội ông được xóa và khôi phục lại lăng mộ.
Hiện nay kết cấu lăng mộ của tả quân Lê Văn Duyệt gồm có nhà bia, lăng mộ và miếu thờ. Du khách đến với lăng ông có thể dạo chơi thỏa thích trong một không gian rộng rãi.
Ngày đầu năm viếng tiền nhân để tưởng nhớ công đức người xưa là một hành động cần được phát huy để giáo dục thế hệ con cháu.
Tác giả bài viết: Trần Chánh Nghĩa