Phát biểu tại hội thảo "Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên phổ thông hiện nay: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp", TS Vũ Thế Quân - hiệu trưởng trường THPT Đông Đô, Hà Nội - cho hay giáo viên hiện có nhiều áp lực từ phía cán bộ quản lý và những quy định, chính sách của ngành.
Sớm có phương án thi THPT quốc gia 2019
TS Quân nêu ví dụ minh họa ngày 25/9, trong buổi giải trình của Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nói: "Kỳ thi THPT quốc gia 2019 có mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT, kiến thức chủ yếu ở chương trình lớp 12". Thông tin nhanh chóng được lan tỏa trên mặt báo.
Sau đó, tất cả giáo viên khối THPT hiểu ngay kỳ thi đã trở lại tốt nghiệp như nó từng tồn tại.
TS Vũ Thế Quân - hiệu trưởng trường THPT Đông Đô, Hà Nội |
Tuy nhiên, trong những ngày đầu của kỳ họp thứ 6, quốc hội thứ XIV đang diễn ra, Bộ trưởng lại phát biểu khác.
Cụ thể, ngày 26/10, Bộ trưởng nói: "Kỳ thi THPT quôc gia 2019 thực hiện để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để tuyển sinh vào trường đại học, cao đẳng". Như vậy, với ý kiến này, kỳ thi trở lại nguyên trạng là kỳ thi hai trong một.
Theo PGS Vũ Thế Quân, hai lần phát biểu của Bộ trưởng khiến giáo viên, học sinh rất hoang mang. Chỉ còn 7 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bắt đầu nhưng hiện tại vẫn không rõ định hình của kỳ thi là gì, chỉ để xét tốt nghiệp hay có cả hai mục đích. Trong khi đó, điều này phải rất rõ ràng để giáo viên, học sinh triển khai việc học sao cho phù hợp.
Từ đó dẫn đến cấu trúc của đề thi cũng không rõ ràng. Theo quy định hiện hành, kỳ thi "hai trong một" sẽ có cấu trúc gồm 40% kiến thức nâng cao và 60% gồm kiến thức cơ bản. Về nội dung, năm 2017 nội dung chủ yếu tập chung lớp 12, năm 2018 bao gồm lớp 11 và 12, năm 2019 bao gồm lớp 10, 11 và 12.
"Tôi không hiểu tại sao Bộ GD&ĐT lại đưa ra quy định ngặt nghèo với học sinh như vậy khi kiến thức bao gồm cả 3 khối? Và cũng không hiểu đến năm 2019 có thi kiến thức của cả 3 khối hay không?", TS Quân đặt nhiều câu hỏi.
TS Quân cho rằng gánh nặng hiện nay đè lên đầu học sinh lớp 12 là ôn xong chương trình lớp 12 sẽ ôn tiếp lớp 11 và 10. Thi trắc nghiệm lại không có trọng tâm nào cả nên học sinh phải ôn lại toàn bộ chương trình của 3 lớp. Đó là gánh nặng quá tải hiện nay cho học sinh và giáo viên lớp 12 trong phạm vi cả nước.
"Tôi đề nghị hội thảo chuyển câu hỏi của tôi lên Bộ GD&ĐT với mong muốn bộ nên có văn bản rõ ràng, trọng tâm về kỳ thi THPT quốc gia 2019 được triển khai như thế nào?", TS Quân phát biểu.
Vị hiệu trưởng nêu kết luận nghề giáo có những áp lực đến từ phía quản lý Nhà nước. Nếu hợp lý, họ sẽ được tạo động lực, nếu không sẽ tạo cản trở và áp lực, không thúc đẩy sự sáng tạo và vươn lên của thầy cô.
Chỉ biết chờ đợi
Bày tỏ lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, chia sẻ với Zing.vn, thầy Đào Tuấn Đạt - phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh Hà Nội - cho hay hiện tại các trường THPT trên cả nước đều giống nhau: "Ôn tập thật cơ bản vì dự đề thi sẽ dễ để đi vào kỳ thi chủ yếu xét tốt nghiệp và mất phương hướng không hiểu thi đại học sẽ tuyển sinh ra sao. Vì Bộ GD&ĐT chưa công bố phương án thi chính thức nên tất cả đều chỉ biết chờ đợi".
Thầy Đào Tuần Đạt - giáo viên trường THPT Anhxtanh, Hà Nội. |
Điều này tạo áp lực tâm lý nặng nề cho học sinh, nhất là những em vào đại học top đầu và top giữa, vì top cuối không mấy quan tâm nên chỉ cần lấy kết quả tốt nghiệp.
"Đề thi năm nay sẽ chỉ lớp 12 hay cả 3 năm học? Độ khó ra sao?", thầy Đạt nêu câu hỏi.
Thầy Đào Tuấn Đạt đề xuất tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia chỉ nên có mục đích tốt nghiệp, các đại học nên thành lập các nhóm đề thi để thi theo cụm.
"Ví dụ ĐH Bách khoa sẽ đứng đầu các cụm thi về Kỹ thuật, ĐH Ngoại thương đại diện cho khối Kinh tế, ĐH Y Hà Nội dẫn dắt khối y, dược. Các cụm về văn hóa, nghệ thuật, thể thao có đặc thù riêng nên cũng dễ dàng tách ra tuyển sinh", thầy Đạt nêu.
Những trường có chất lượng kém sẽ không dám vào nhóm vì sợ đề thi khó sẽ có điểm trúng tuyển thấp, mất giá trị thương hiệu. Những học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp sẽ tự nhiên phân luồng vào cao đẳng và nghề đào tạo. Đây là cuộc cạnh tranh lành mạnh, giúp Bộ GD&ĐT ở khâu các trường thả nổi, vơ vét đầu vào kém chất lượng.
Theo thầy Đào Tuấn Đạt, cách thức này cũng tránh tình trạng học sinh đổ về các trường đại học để ôn thi như thời kỳ "ba chung", đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các trường.
Tác giả: Quyên Quyên
Nguồn tin: zing.vn