Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất nước
“… Quãng đời học sinh tuy được qua tay chăm sóc của nhiều thầy cô giáo. Nhưng trong ký ức của các em thường chỉ lưu lại hình ảnh những người thầy giáo mà các em yêu mến nhất. Chắc chắn, đó phải là những người thầy giáo giỏi về chuyên môn, biết gần gũi, cảm thông và chia sẻ cùng các em những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường ngày, biết động viên khích lệ các em vượt lên những khó khăn, giúp các em gặt hái được những thành công trong cuộc sống; đó thực sự là những thầy giáo hạnh phúc, xứng đáng với sự tôn vinh của học trò và xã hội”…
Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng tại buổi lễ |
Trên đây là trích đoạn trong lời phát biểu của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tại lễ tôn vinh các nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu của Thủ đô năm 2017 diễn ra sáng 14/11 tại Hà Nội.
Theo “tư lệnh ngành” giáo dục Thủ đô, người thầy trước tiên phải là tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tự học, sáng tạo, sẵn sàng cống hiến và say mê trong lao động.
Mỗi một người thầy phải tự khẳng định mình bằng thực tiễn dạy học và rèn luyện phẩm chất đạo đức của bản thân, phải trăn trở suy nghĩ cải tiến phương pháp dạy học, phải giúp các em học giỏi, chăm ngoan.
Được biết trong thời gian qua, ngành giáo dục đào tạo Hà Nội luôn kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, giáo viên.
Đại diện học sinh tặng hoa lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội |
Hiện nay, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước. Tỷ lệ giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp học cao; trong các Hội thi Giáo viên dạy giỏi Toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức, giáo viên Hà Nội luôn giành được những giải cao.
Đây cũng là đia phương có nhiều sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện các chương trình cải cách, đổi mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Để nâng cao chất lượng giờ dạy, các trường đã tổ chức thực hiện quy chế chuyên môn, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, tổ chức nhiều hội thảo, sinh hoạt chuyên đề. Toàn ngành đã có gần 2.600 trường học và cơ sở giáo dục; số lượng học sinh đã lên tới 1,8 triệu em; với 116.000 cán bộ giáo viên, nhân viên.
Dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, ở cấp giáo dục Mầm non của thành phố hiện nay, tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, hướng tới đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2025. Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ hướng tới đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực, phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, tiền đề hình thành nhân cách phẩm chất năng lực công dân toàn cầu, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học phổ thông.
Cấp giáo dục Tiểu học, tiếp tục duy trì kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và chuẩn quốc gia mức độ II. 100% các trường tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy - học, tổ chức dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Các điều kiện dạy- học tốt nhất được ưu tiên cho học sinh lớp 1, nhằm tạo “nền” cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của Giáo dục Phổ thông luôn được giữ vững và tiến bộ. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2017 đạt 99,36%. Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia và các kỳ thi Olympic Quốc tế.
Đại diện học sinh phát biểu cảm tưởng |
Giáo dục thường xuyên-chuyên nghiệp Hà Nội với tinh thần khắc phục khó khăn, thực hiện đa dạng hoá nội dung, chương trình và hình thức học tập. Chất lượng dạy và học có nhiều cố gắng, chương trình, nội dung, hình thức GDTX trên địa bàn Thủ đô đã đáp ứng được các nhu cầu học tập của cộng đồng.
"Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, mà trước mắt là việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết, sáng tạo của mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi đơn vị trường học trong toàn Ngành. Thời kỳ đổi mới đòi hỏi sản phẩm giáo dục phải có phẩm chất, có năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội; vì lẽ đó, phẩm chất và nhân cách nhà giáo cũng được quy định thêm bởi nhiều yếu tố, nhưng cốt lõi vẫn là tri thức và lòng yêu thương học sinh", ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói.
Với những kết quả đã đạt được trong năm học 2016 - 2017, tại buổi lễ, ngành Giáo dục Hà Nội đã long trọng tổ chức trao tặng những danh hiệu, phần thưởng xứng đáng cho các cá nhân và tập thể trên địa bàn.
Trong đó, 8 tập thể được Chủ tich nước tặng thưởng Huân chương độc lập và Huân chương lao động; Chính phủ tặng 8 Cờ thi đua cho các đơn vị, 16 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân; 54 đơn vị tiêu biểu được Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố tặng Cờ thi đua; 375 tập thể đạt danh hiệu Tập thể LĐXS; 213 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen Thành phố; 116 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT; 15 cá nhân đạt danh hiệu CSTĐ cấp Thành phố và 04 cá nhân tiêu biểu đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” Thành phố năm học 2016 - 2017.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí