Cuộc sống

Giữa dòng đời hối hả đừng quên nghĩa thầy cô

Năm ấy, chúng ta vội vã bước vào đời mà bỏ quên lời cảm ơn và xin lỗi thầy cô. Nơi góc sân trường ấy vẫn đọng mãi những cảm xúc ngọt ngào, sâu lắng, dù đi hết hành trình cuộc đời vẫn chẳng thể nào đong đếm hết ân nghĩa…

Tôi nhớ về ngày chia tay cách đây hơn 4 năm có lẻ, có nước mắt, có nụ cười nhưng hình như không một ai buông lời xin lỗi vì những lần lỡ làm cô buồn, những bài học đầy nhiệt huyết thầy say mê truyền đạt.

Thế rồi, thời gian đằng đẵng chảy trôi, lời hứa “họp lớp năm nay sẽ đi đầy đủ” cũng bị thực tế vùi dập. Ngày hẹn chỉ có mấy đứa, nhìn góc lớp loang dài những khoảng trống hoác đến cô đơn, bất chợt lòng nghẹn đắng.

Tôi từng rất thích học văn, say mến ngôn từ và gặm nhấm từng thớ cảm xúc trong veo tuổi 18 vào trang nhật ký học trò. Và cho đến bây giờ tôi vẫn yêu y như cái cách tôi tỉ mẩn sắp xếp từng câu chữ, vun đầy yêu thương và không ngần ngại sẻ chia tâm sự cùng những người xa lạ.

Cô giáo chủ nhiệm của tôi từng nói, rằng khi cuộc đời dông gió, khó khăn sẽ rèn luyện cho con người ta sự bền bỉ, kiên gan. Khi bước ra ngoài khoảng trời rộng lớn ngoài kia cần có một đôi mắt sáng, lý trí tỉnh táo, đừng quá bon chen, toan tính và hơn hết cần một trái tim ấm nóng tình yêu thương.

Ảnh: Nguyễn Loan

Suốt những năm cấp 3, cô lặng thầm giúp đỡ tôi rất nhiều, những ân tình ấy tôi luôn nhắc nhớ ghi sâu. Tôi cũng chẳng thể quên được mùa đông ấy, chiếc áo ấm cùng khăn choàng dày sụ cô trao tôi với câu nói “nay lạnh rồi, đi học đừng để ốm”. Mỗi lần nghĩ về quãng đời học sinh, trong tôi dâng lên niềm cảm xúc không dễ gì gọi thành tên, mà vốn dĩ làm gì có ai gói ghém tất thảy tình yêu lớn lao trong đôi ba dòng chữ vụn vặt.

Những ký ức trong ngần như màu áo trắng trở thành miền thơ không bao giờ phai nhạt. Là ngày đậu đại học, tôi đứng giữa những lựa chọn trắc trở, thầy đã nói rất nhiều với tôi về con đường phía trước. Rồi thầy giúp tôi làm hồ sơ xin học bổng, động viên, an ủi vì sợ tôi nhụt chí. Đó là thời khắc tôi khóc nhiều nhất cho bản thân mình và khóc vì cảm động bởi có những người mang lòng tốt nhân rộng mà không đòi hỏi đáp đền.

Ai rồi cũng lớn, cũng đi trên con đường của riêng mình. Dăm ba bận vấp ngã giúp tôi ngộ ra nhiều điều, thấy thương hơn những bụi phấn vương trên mái tóc thầy cô. Mỗi mùa chia tay, mỗi lần tạm biệt là mỗi lần xao xuyến, bồi hồi khôn nguôi.

Thầy cô đã đưa tôi đi qua ngày chông chênh nhất cuộc đời, ngày tháng đẹp đẽ nhất thời thanh xuân cũng vì thế mà trở nên ý nghĩa hơn. Hóa ra khi ngồi trên ghế nhà trường trong giai đoạn vô tư nhất, chúng ta ai nấy đều ao ước lớn thật nhanh. Khi ấy không có những kỳ thi, không có bài kiểm tra giữa giờ, không có lo sợ khi lớp bị trừ điểm, không lo những lần sinh hoạt lớp bị cô mắng… Tất thảy những điều ấy ngày còn đi học có ai không “ghét cay ghét đắng” để rồi đến khi trưởng thành ta lại mong có tấm vé khứ hồi trở về năm tháng trước.

Có những lời xin lỗi nghẹn lại không thốt nên lời, có những câu cảm ơn dù viết ra 1000 lần cũng chẳng đủ để trả được công ơn thầy cô. Thế nên giữa dòng đời hối hả đừng bao giờ đánh mất những ân tình mà thầy cô đã trao. Dù đi đến đâu, dù có trở thành “ông này bà nọ” thì mãi mãi nơi ký ức sâu thẳm chúng ta vẫn chỉ là những đứa trẻ nhỏ bé trong vòng tay thầy cô. Kỷ niệm tươi nguyên như vừa hôm qua, tiếng cô giảng bài, câu văn trầm bổng, trang sử hào hùng, miền đất mới phiêu du những bước chân…

Tất cả cứ vang vọng đâu đây, kéo tôi trở về thưở “hai buổi cắp đến trường”.

Tác giả: Tuệ Nhi

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: ơn nghĩa , 20/11 , học trò , thầy cô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP