Giáo dục

Giáo dục không phải trừng phạt

Sau hơn 1 tuần bị buộc thôi học, 3 học sinh lớp 10 ở Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) có thể trở lại trường theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

Vụ việc trên gây ồn ào dư luận trong những ngày qua và nhiều nhà giáo đặt vấn đề kỷ luật bằng hình thức buộc thôi học liệu có phải là phương pháp giáo dục. Việc áp dụng hình thức buộc thôi học được tất cả các trường học khuyến cáo và áp dụng từ rất lâu rồi. Hình thức kỷ luật này còn được quy định trong các văn bản pháp quy, mà cụ thể là Thông tư 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cách đây đã 30 năm.

Xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt quan điểm về giáo dục được hoàn thiện nhanh chóng. Nhiều quy định có thể phù hợp trong thời điểm trước nhưng không hẳn sẽ được chấp nhận trong thời điểm hiện tại. Ví dụ, vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, việc giáo viên phạt roi đối với học sinh là rất bình thường. Phụ huynh cũng khuyến khích thầy cô giáo nghiêm khắc xử phạt học trò. Nhiều học sinh ngày ấy bị đòn đến nay còn nhớ mãi và nhớ ơn thầy cô đã dạy dỗ. Thế nay thì sao? Hành vi ấy chắc chắn bị xã hội lên án và thầy cô sẽ bị kỷ luật. Bởi vậy, câu chuyện trên phải đặt trong bối cảnh tương tự để có góc nhìn đa chiều.

Một trong những mục tiêu lớn nhất của giáo dục là hoàn thiện nhân cách của từng cá nhân để hòa nhập với cộng đồng. Dù cá nhân đó là ai, xuất thân như thế nào, nhân cách ra sao đều có quyền hưởng thụ nền giáo dục hoàn chỉnh. Kỷ luật trong nhà trường phải nhằm mục tiêu giáo dục chứ không phải trừng phạt. Vì vậy, buộc thôi học những học sinh vi phạm, nói theo cách khác là tước đi của các em quyền thụ hưởng giáo dục và nhà trường đã từ chối mục đích tối cao của mình.

Xúc phạm người khác là hành vi đáng lên án và cần phải chấn chỉnh. Nhưng ở lứa tuổi học sinh, tâm sinh lý chưa trưởng thành, các em cần được giáo dục để không mắc lại sai lầm này và học cách tôn trọng người khác. Đuổi các em ra khỏi trường chính là đẩy trách nhiệm cho xã hội. Trong khi xã hội là nơi nhận những thành quả của giáo dục chứ không phải ngược lại, là nơi nhận những con người mắc sai lầm cho nhà trường. Có nhiều đứa trẻ bị đuổi học sẽ không quay lại trường. Mất đi một môi trường giáo dục quan trọng thì tương lai các em càng bấp bênh.

Ở nhiều nước phát triển, hình thức kỷ luật buộc thôi học chỉ áp dụng với những hành vi cực kỳ nghiêm trọng như mang vũ khí, ma túy vào trường... Hình phạt nặng nhất thường được áp dụng là cấm túc sau giờ học hoặc lao động phục vụ tại trường như quét dọn rác, trồng cỏ, dọn bàn ăn cho các bạn học. Những hình phạt này luôn được thông báo cặn kẽ và trao đổi trước với phụ huynh.

Xã hội phát triển, luôn tạo điều kiện học tập cho tất cả mọi người. Ngay cả những người thiếu may mắn hoặc đang phạm tội trong trại giam cũng được tạo thuận lợi để học tập. Từ góc độ này, từ chối học sinh là một sự thất bại trong nỗ lực giáo dục hoàn thiện nhân cách của một người.

Tác giả: Gia Khang

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: đ , đuổi học , giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP