Giáo dục

Dừng thi để xét đặc cách rồi lại tiếp tục thi, giáo viên hoang mang tột độ?

Trưa ngày 15/11, sau khi có văn bản về việc tuyển dụng đặc cách, nhiều giáo viên hợp đồng "chưa dám" vui mừng vì nhiều lần bất thành, đến tối cùng ngày, nội dung tiếp tục thi tuyển đã khiến nhiều giáo viên "ngã ngửa", hoang mang tột độ.

Ngày 15/11, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký văn bản số 5119/UBND-NC gửi sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã về việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng đã đóng bảo hiểm từ năm 2015 trở về trước.

Theo đó, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của bộ Nội vụ tại văn bản số 5378/BNV/CCVC ngày 5/11, UBND TP.Hà Nội giao sở Nội vụ chủ trì phối hợp với sở GD&ĐT Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tại Hà Nội thực hiện việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Tạm dừng việc thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã để thực hiện việc tuyển dụng đặc cách này, đồng thời báo cáo UBND thành phố.

Sau khi nhận được thông tin trên, nhiều giáo viên hợp đồng tạm thời “thở phào”, nhưng tối cùng ngày, các thầy cô lại xôn xao trước một nội dung khác.

Các thầy cô đang truyền tay nhau hình ảnh văn bản số 5130/UBND-NC do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, về việc tiếp tục thực hiện việc thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập.

Văn bản nêu rõ, sau khi xem xét báo cáo, đề xuất của sở Nội vụ tại công văn số 2798/SNV-CCVC ngày 15/11/2019 về việc thực hiện văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của bộ /Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước và văn bản số 5119/UBND-NC ngày 15/11/2019 của UBND thành phố về việc thực hiện chỉ đạo của bộ Nội vụ về việc xét tuyển đặc cách giáo viên.

Theo đó, sở Nội vụ báo cáo kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục thuộc UBND các quận, huyện, thị xã đã được triển khai xong vòng 1 và theo kế hoạch vòng 2 sẽ được tổ chức vào ngày 17/11/2019 và được bộ Nội vụ chỉ đạo cho tiếp tục thực hiện vòng 2 của kỳ tuyển dụng, đồng thời sẽ bổ sung đủ chỉ tiêu biên chế để triển khai thực hiện tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của bộ Nội vụ tại văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước, UBND thành phố chỉ đạo:

Giao sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiếp tục triển khai tổ chức thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã vào ngày 17/11/2019 theo đúng kế hoạch.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng vẫn chưa kịp vui mừng vì được dừng thi thì lại ngã ngửa nhận tin tiếp tục thi.

Sau đó, sẽ thực hiện tuyển dụng đặc cách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 và của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 5/6/2019, của bộ Nội vụ tại văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019; báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Ngay sau khi có thông tin tiếp tục tổ chức thi tuyển vòng 2, một số giáo viên hợp đồng không khỏi “ngỡ ngàng”.

Một giáo viên đã gắn bó gần chục năm tại Sóc Sơn chia sẻ: “Tôi thực sự thấy đây là một câu chuyện bi hài. Trải qua quá nhiều lần thông báo được xét đặc cách rồi lại thi tuyển, nên trưa nay, khi thấy văn bản của UBND thành phố chỉ đạo hoãn thi để xét tuyển, chúng tôi cũng chỉ tạm yên, chưa dám vui mừng. Và đến tối lại có thông tin phải thi tiếp vòng 2, dường như chẳng có tâm trạng nào mà thi”.

Một giáo viên tại Mỹ Đức cũng bày tỏ: “Chúng tôi thực sự không hiểu, lãnh đạo thành phố muốn “làm khổ” giáo viên hợp đồng đến bao giờ nữa? Có một quyết định mà lúc thông báo hoãn thi, lúc lại thông báo thi. Bộ nói xét tuyển xong còn chỉ tiêu mới thi, còn thành phố lại cho thi xong mới xét.

Riêng ở huyện Mỹ Đức, bậc tiểu học và THCS lại không đủ điều kiện để được xét tuyển vì chưa đóng bảo hiểm bao giờ. Hiện tại, chỉ một số ít giáo viên đăng ký thi, còn rất nhiều giáo viên đã bỏ thi ngay từ đầu.

Bản thân tôi dạy tiểu học đã 11 năm, năm hay huyện yêu cầu đối với giáo viên những môn chuyên biệt phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên mới được thi, tôi mới học xong trung cấp, đi dạy hợp đồng, lương có hơn 1 triệu đồng, không biết lấy tiền đâu để đi học. Vì thế, tôi không thể tham gia thi tuyển được.

Tôi cũng như các giáo viên khác ở Mỹ Đức chỉ trông chờ vào quyết định của lãnh đạo thành phố, hy vọng có giải pháp nào cho những giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm, nhìn nhận năng lực làm việc, nhìn nhận những cống hiến đã mang lại cho nền giáo dục để xét tuyển vào biên chế. Bởi, với kinh nghiệm mười mấy năm, chúng tôi tự tin mình có đủ khả năng đứng trên bục giảng”.

Trước đó, thực hiện yêu cầu rà soát để tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng ở Hà Nội, sở Nội vụ Hà Nội cho biết Hà Nội có tổng số giáo viên hợp đồng là 8.394 người đang dạy học tại các cơ sở mầm non, tiểu học, THCS công lập tại 30 quận, huyện, thị xã.

Trong đó, số giáo viên có thời gian hợp đồng lao động dưới 5 năm là 5.664 người. Số có thời gian liên tục hợp đồng lao động từ 5 năm trở lên là 2.730 người, tại 19 quận, huyện, thị xã. Tất cả số giáo viên hợp đồng này đều không đủ điều kiện xét đặc cách.

Lý do những giáo viên hợp đồng trong diện được xét, có hợp đồng lao động liên tục trong 5 năm trở lên, làm việc trong các cơ sở giáo dục không tự bảo đảm chi thường xuyên. Một số khác đạt yêu cầu về cơ sở giáo dục nhưng lại không đảm bảo vị trí việc làm như quy định.

Đứng trước việc hoặc phải tham gia thi tuyển theo quy định chung của thành phố hoặc nghỉ dạy, một số giáo viên ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Đông Anh, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây đã có đơn kiến nghị xin được chuyển hình thức tuyển dụng từ thi tuyển sang xét tuyển để không phải thi môn ngoại ngữ, tin học và kiến thức chung trong ròng rã nhiều tháng qua.

Trong số đó, có người đã có thâm niên dạy học gần 30 năm, hiện khó có thể đạt yêu cầu tuyển dụng nếu phải thi với những người trẻ. Một số giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bày tỏ mong muốn được xem xét theo quan điểm nhân văn vì họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân trong những thời điểm ngành giáo dục thiếu giáo viên trầm trọng. Tuy nhiên, do vướng mắc quy định hiện hành nên Hà Nội để kéo dài việc này không giải quyết dứt điểm được.

Những giáo viên hợp đồng không hy vọng được xét đặc cách đã phải đăng ký thi tuyển, dự kiến ngày thi sẽ diễn ra vào 17/11/2019. Hiện tại, số viên chức giáo viên của Hà Nội có 68.282 người, số giáo viên còn thiếu là 12.530 người.

Tác giả: Cẩm Mịch

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP