Cuộc sống

Đừng khép lòng khi mùa xuân gõ cửa

Thôi phân biệt nội ngoại, thôi tính toán bạc tiền, thôi những trách hờn nhỏ nhen ích kỉ, Tết rồi, cùng nhau trở về nhà thôi, để tay nắm lấy tay, để ôm nhau một cái thật nhẹ nhàng, để cùng quây quần một bữa cơm đông đủ sum vầy mà ngày thường không có được.

Em ngồi đó, tay khuấy khuấy ly cà phê màu nâu buồn bã. Em nói sợ nhất là Tết, bởi Tết thì không thể không về nhà. Mà về nhà thì lại cảm thấy mệt mỏi và cô đơn đến kì lạ.

Bố mẹ em ly thân đã hai năm nay rồi. Sở dĩ họ chưa ly hôn vì chưa thống nhất được phân chia tài sản, đất đai. Bố em ngoại tình với một cô nhân viên cấp dưới. Mẹ em biết được, không làm ầm ĩ, chỉ lẳng lặng trả thù bằng cách “ông ăn chả, bà ăn nem”. Rồi một ngày mọi việc bung bét vỡ lở, ông chỉ trích bà, bà chửi rủa ông, ai cũng sai nhưng ai cũng cho rằng đối phương sai nhiều hơn. Những cuộc cãi vã, những trận khẩu chiến thưa dần, thay vào đó là sự im lặng lành lùng đến ghê người, ngột ngạt.

Dù nhà rộng người thưa, em vẫn viện đủ cớ để thuê trọ ở ngoài. “Ngày thường có thể lấy lý do bận bịu nọ kia mà ít đáo qua nhà. Nhưng tết thì không thể không về chị ạ. Mà lạ thật, càng ngày em càng nhớ những cái tết ngày xưa. Thời nhà em còn nghèo, thời bố em còn là nhân viên, còn mẹ em vừa làm công chức vừa bon chen bán hàng dịp tết kiếm thêm đồng ra đồng vào. Những năm đó, tết chưa đủ đầy nhưng sao mà yên vui đầm ấm.

Rồi bố em được thăng chức, mỗi năm tết đến quà cáp đầy nhà. Mẹ em chỉ việc mặc thật đẹp để đón khách, không còn cảnh sấp ngửa bán buôn như trước. Nhưng cũng từ đó, gia đình em bớt vui hơn, bố mẹ hay cãi vã nhau hơn. Họ không còn quan tâm đến nhau. Thậm chí có lần mẹ nói nếu không vì em thì mẹ đã bỏ bố lâu rồi. Em tự hỏi, phải chăng em chính là nguyên nhân khiến họ phải sống chung và chịu đựng nhau như thế?”

Ly cà phê trước mặt em, đá đã tan làm màu nâu tan loãng, nhạt như chính nụ cười của em. “Tết nào vui bằng tết đoàn viên. Thế gia đình không đoàn viên thì có còn gọi là tết không chị nhỉ?” Tôi chẳng biết nói gì chỉ thấy lòng có đôi chút buồn lây. Những người như em, tết sợ về nhà vì không có bữa cơm sum vầy, vì gia đình thiếu vắng yêu thương. Bạc tiền rõ ràng không mua được niềm vui ấm êm, cớ sao có rất nhiều người vì bạc tiền mà xới tung những ấm êm mình đang có.

Còn nhớ, chừng này năm ngoái, vợ chồng nhà bên có cãi nhau về chuyện tết này ăn tết ở đâu. Mà nhà kia lạ lắm, năm nào dịp gần tết cũng lục đục, khi thì là chuyện biếu xén bạc tiền, quà cáp nội ngoại, khi thì ăn tết nội mấy ngày rồi về ngoại. Và năm ngoái là ăn tết ở đâu trước. Anh chồng hậm hực gào lên “ Tết dĩ nhiên phải về nội trước. Sao năm nào về ăn tết cô cũng làm như đi đày thế hả. Nhà chồng thì không phải là nhà à mà nhất thiết cứ phải về ngoại?” “Đến bao giờ thì anh thôi cái kiểu gia trưởng ấy đi. Anh muốn về nhà anh thì cũng để tôi về nhà tôi chứ.

Hai vợ chồng ấy đã ly hôn. Vì năm ấy, cô vợ nhất quyết về ăn tết ngoại mà không được sự đồng ý của chồng. Vì năm ấy, vào tối ba mươi tết mẹ chồng chị gọi điện cho thông gia bảo ông bà không biết dạy con nên gửi lại nhờ ông bà dạy hộ. Vì năm ấy chị vợ nhận ra chị không thể gắn bó suốt đời với một người đàn ông gia trưởng, ích kỉ và vô tâm vô tình như thế.

Có nhiều cặp vợ chồng bình thường thì yên lành mà tết về lại lục đục. Nào là chuyện quà tết nội ngoại không công bằng, nào là tiền mừng tuổi ít nhiều cao thấp, nào là những hỏi đòi, trách móc…vô vàn lý do để người ta so đo mệt mỏi, để người ta sợ tết và không còn háo hức được về nhà.

Tết cơ mà nhỉ? Tết là để trở về, để xa xôi thành gần gũi, để gặp gỡ anh em, để sum vầy nội ngoại. Tết là để mỗi người xích lại gần nhau, cớ sao nhiều người lại tìm cách đẩy nhau ra xa đến thế.

Một năm trôi qua với bao nhiêu vất vả lo toan bộn bề xuôi ngược. Một năm trôi qua với những xa xôi, thương nhớ, mong chờ. Tết, mẹ cha mong con về không phải để được con cái cho biếu bạc tiền. Tết, anh em mong nhau về không phải để tặng nhau quà cáp.

Vậy nên, thôi phân biệt nội ngoại, thôi tính toán bạc tiền, thôi những trách hờn nhỏ nhen ích kỉ. Tết rồi, cùng nhau trở nhà về thôi, để tay nắm lấy tay, để ôm nhau một cái thật nhẹ nhàng, để cùng quây quần một bữa cơm đông đủ sum vầy mà ngày thường không có được. Dù giàu dù nghèo, dù xa cách ngàn trùng hay ngõ kề vách sát thì hạnh phúc nhất vẫn là mỗi khi năm hết tết về được ở cạnh những người mình yêu thương.

Xuân về, cây rụng lá đã đâm chồi nảy lộc, hoa đã bung mình khoe sắc muôn nơi, hà cớ gì ta cứ tiết kiệm những yêu thương, hà cớ gì cứ cố khép cửa lòng mình khi mùa xuân đã về gõ cửa.

Tác giả: Lê Giang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP