Rạn san hô Hòn Yến khi chiều xuống. Ảnh: Thụy Văn |
Hòn Yến từ lâu đã là một điểm đến du lịch dã ngoại kỳ thú. Toàn bộ cảnh quan nơi này một mặt giáp với khu dân cư làng chài đông đúc, mặt kia giáp biển với 2 hòn núi lớn hình đụn cơm nổi trên ghềnh đá đen - dạng đá bazan núi lửa.
Thời gian gần đây, nhiều bức ảnh đẹp về thềm san hô lan truyền trên mạng xã hội, tạo nên trào lưu check-in (chụp ảnh đánh dấu địa điểm cố định) trên ghềnh đá có hệ sinh thái san hô độc đáo này. Khi thủy triều xuống thấp, xung quanh Hòn Yến nổi lên rạn san hô cộng hưởng với ánh nắng hoàng hôn tạo nên khung cảnh huyền ảo lung linh ví như cảnh thiên đường. Thú vị nhất là hệ sinh thái này gồm có các thực thể san hô sống, động vật thủy sinh, rong rêu và cá, động vật 2 mảnh vỏ, các loại nhuyễn thể nhiều màu sắc, sao biển, các loại đẻn, rắn biển cỡ nhỏ...
Nói không quá rằng, đây là linh địa của hàng ngàn loại động thực vật thủy sinh, một khu vực tham quan, khám phá hiếm có dành cho du khách yêu biển.
Hơn thế nữa, toàn bộ thềm san hô là gành đá đen tuyền xen kẽ với bãi cát trắng và các rãnh đá, các hang động ngang mặt biển sóng vỗ tạo nên âm thanh riêng có như tiếng đàn đá vào một vài ngày trong tháng. Đây là nơi cắm trại lý tưởng, ăn uống tại chỗ và chơi các trò chơi tập thể ở bãi biển.
Thời gian qua, Đồn Biên phòng An Hải, BĐBP Phú Yên - đơn vị đứng chân trên địa bàn đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho bà con ở địa phương, người buôn bán và làm dịch vụ nhỏ lẻ, khách du lịch tránh việc xả rác ra bãi biển và khu vực này. Đơn vị đặt những thùng phân loại rác ngay trên bãi biển để nhắc nhở du khách. Các nhóm người tụ tập ăn uống trên bãi biển đều phải thu gom hết rác sau khi rời đi. Điều này lâu dần cũng tạo thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế rác thải và bảo vệ rạn san hô, gành đá Hòn Yến.
Một cảnh báo mà lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương đều nỗ lực kêu gọi du khách thực hiện là “nhón chân” khi dạo bước trên thềm san hô. Ở các khu vực biển khác, nếu không có ghềnh đá lồi lõm tạo thành các hang lộ thiên và chế độ nước triều riêng thì rạn san hô sẽ nằm ngoài các ghềnh đá sạch. Du khách phải đi ca nô và tàu đáy kính ra xa mới có thể nhìn thấy động thực vật thủy sinh.
Thiên nhiên ưu đãi cho cảnh quan Hòn Yến hệ sinh thái lộ thiên, song đây cũng là tài nguyên thiên nhiên rất mẫn cảm, dễ bị xâm hại và tàn phá dẫn đến biến mất. Rất nhiều du khách đi bộ trên thềm san hô, tạo thành đường mòn trên đá, làm chết, biến dạng, suy thoái san hô, mất chỗ trú ngụ của động thực vật thủy sinh. Hầu như các đợt thủy triều rút xuống, rạn san hô Hòn Yến đều phải chịu đựng hàng ngàn bước chân qua, do lượng khách du lịch đến đây ngày một đông, thậm chí quá tải làm cho dịch vụ du lịch ở làng chài nhỏ bé phía sau Hòn Yến chật ních, đông đúc người và xe.
Để bảo tồn rạn san hô, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên đã đề nghị chính quyền huyện Tuy An và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền nhắc nhở du khách. Hệ sinh thái san hô là tài nguyên sống còn của khu du lịch, điểm đến bị tàn phá đồng nghĩa với sức hấp dẫn của du lịch giảm dần, không tạo được thế phát triển lâu dài cho làng chài ven biển Tuy An. Chưa kể, việc tài nguyên môi trường bị tàn phá sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, hậu quả lâu dài không thể phục hồi được.
Mặt khác, rạn san hô Hòn Yến cũng đang cấp bách được địa phương bàn thảo phương án bảo tồn tốt nhất và không loại trừ phương án huy động nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài.
Tác giả: Thụy Văn
Nguồn tin: Báo Biên phòng