Giáo dục

Điểm mới trong các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học năm 2025 thí sinh cần biết

Năm 2025 các kỳ thi riêng dùng để xét tuyển đại học có nhiều điểm đổi mới cả về cấu trúc lẫn nội dung phù hợp với chương trình GDPT 2018.

Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức theo chương trình GDPT 2018 với những điều chỉnh nhất định so với những năm trước. Theo đó, kỳ thi điều chỉnh theo hướng phát huy tối đa năng lực, sở trường của thí sinh. Bài thi đánh giá năng lực sẽ gồm 3 phần: Toán học và xử lý số liệu (Toán học, 50 câu hỏi – 75 phút); Văn học – Ngôn ngữ (50 câu hỏi – 60 phút); Khoa học (50 câu hỏi – 60 phút) với các phần để thí sinh lựa chọn.


Sau 2 phần thi bắt buộc, ở phần Khoa học, thí sinh có thể tự chọn 3 trong 5 chủ đề: Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học. Ngoài ra, nếu không muốn làm phần thi trên, thí sinh có thể chọn bài thi Tiếng Anh với 60 phút và 50 câu hỏi.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý thí sinh nên thể cân nhắc thế mạnh của mình để chọn các phần thi phù hợp.

"Năm 2025 ĐH Quốc gia Hà Nội cũng phát hành tài liệu về bài thi đánh giá năng lực để thí sinh có thể tự ôn tập, rà soát lại kiến thức của mình. Trước khi đăng ký thi, các em nên nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để biết những trường nào sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực cũng như điều kiện cụ thể của từng trường để có sự lựa chọn phù hợp. Khi đăng ký dự thi, thí sinh chú ý điền đúng thông tin cá nhân, chỉ cần nhầm một ký tự trong họ tên khi đồng bộ dữ liệu với Bộ GD-ĐT cũng sẽ dẫn đến sai sót, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của thí sinh", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.

Đại diện ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thông tin, năm 2025, nội dung các bài thi đánh giá năng lực của Trường cũng được xây dựng tương ứng với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và định hướng dạy học, kiểm tra đánh giá của Bộ GD-ĐT.

Đề thi kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp theo cấu trúc từng bài thi, đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Thí sinh làm bài trực tiếp tại phòng thi, trả lời các câu hỏi bằng cách tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm và viết trên tờ giấy thi.

Năm 2025, thí sinh được đăng ký thi các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Mỗi trường đại học quy định số lượng và tổ hợp môn thi khác nhau để lấy kết quả thi, xét tuyển vào các ngành đào tạo. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để đăng kí đúng và đủ số môn thi, phù hợp với nguyện vọng xét tuyển.

Đặc biệt, từ năm 2026, dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ bổ sung các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Ở khu vực phía nam, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM cho biết, trong bối cảnh chương trình giáo dục năm 2018 có sự thay đổi, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực 2025 cần được điều chỉnh phù hợp. Theo đó, ĐHQG-HCM giữ cấu trúc phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.

Phần Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần Tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội. Câu hỏi thuộc nhóm Tư duy khoa học là sự khác biệt, gồm các vấn đề khoa học, xã hội, công nghệ, đời sống.

"Câu hỏi thuộc nhóm Tư duy khoa học là sự khác biệt. Phần này gồm các vấn đề khoa học, xã hội, công nghệ, đời sống, chứ không thuộc về kiến thức riêng biệt từng môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Các câu hỏi đều cung cấp đầy đủ thông tin dưới dạng số liệu, dữ kiện, công thức, định nghĩa, quá trình và kết quả thí nghiệm. Thí sinh dựa vào tư duy logic, suy luận khoa học để tìm ra quy luật, lời giải. Đề thi cung cấp đầy đủ thông tin, dữ kiện để đảm bảo thí sinh có thể hoàn thành bài thi. Thí sinh dùng chính dữ kiện được cung cấp trong đề thi để suy luận ra quy luật và giải quyết vấn đề. Điều này không yêu cầu thí sinh phải học chuyên sâu về các môn mà phải dựa vào năng lực đọc hiểu, suy luận”, TS Nguyễn Quốc Chính thông tin.

Cũng theo TS Nguyễn Quốc Chính, trước đây, đề thi đánh giá năng lực ở phần Giải quyết vấn đề chia ra làm nhiều môn học như: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Trong khi đó, chương trình giáo dục năm 2018 cho phép học sinh lựa chọn tổ hợp môn học. Nếu tiếp tục áp dụng cấu trúc đề thi như mọi năm sẽ gây khó khăn cho thí sinh. Do đó, cấu trúc đề thi 2025 đã được điều chỉnh lại, đánh giá các năng lực cơ bản, cần thiết của thí sinh.

Ngoài ra, thí sinh cũng lưu ý, từ năm 2025, ĐHQG-HCM chỉ cấp giấy chứng nhận kết quả thi dạng điện tử, không cấp giấy chứng nhận kết quả dạng bản giấy. Thí sinh có thể tải giấy chứng nhận kết quả từ tài khoản cá nhân và sử dụng để đăng ký xét tuyển.

Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM thông tin, sau 30 ngày mở cổng đăng ký đợt 1, tính đến hết ngày 20/2 đã có hơn 130.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực năm 2025. Đây là con số kỷ lục so với cùng đợt đăng ký các năm trước.


Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: VOV.VN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP