Tin địa phương

Đề xuất lấy thêm nhà, đất “vàng” bên sông Hàn để di dời Bảo tàng Đà Nẵng

Chiều 13/8, tại cuộc họp do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì, các ngành hữu quan đều đề nghị lấy luôn các khu nhà đất "vàng" 44 Bạch Đằng, 31 Trần Phú kết hợp với 42 Bạch Đằng ở bờ Tây sông Hàn để làm Bảo tàng Đà Nẵng.

Ngại đề xuất trái với chủ trương của Thường vụ Thành ủy đã thông báo

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng, từ đầu năm 2018, Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng phối hợp Sở VH-TT, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án di dời Bảo tàng Đà Nẵng khỏi Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, đưa về khu nhà Pháp cổ số 42 Bạch Đằng (vốn là Tòa Thị chính Đà Nẵng thời Pháp, sau đó là trụ sở UBND TP và hiện là trụ sở HĐND TP Đà Nẵng).

Tại cuộc họp do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì chiều 13/8, ý kiến của đơn vị tư vấn...

Sở VH-TT Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng Hà Nội nghiên cứu, khảo sát thực tế hiện trạng công trình và tháng 3/2018 đã hoàn thành sơ bộ phương án cải tạo, di dời Bảo tàng Đà Nẵng gửi Sở Xây dựng có ý kiến báo cáo UBND TP, tuy nhiên cho đến nay, mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ" mặc dù lãnh đạo TP nhiều lần có văn bản thúc giục.

Trong khi đó, thời hạn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư năm 2018 (mốc 31/10/2018 phải phê duyệt dự án) còn rất ít. Hơn nữa, giai đoạn 1 dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Thành Điện Hải đã gần hoàn thành (dự kiến tháng 11/2018). Nếu không đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời Bảo tàng Đà Nẵng về số 42 Bạch Đằng thì không khớp nối thực hiện giai đoạn 2 của dự án được.

Đáng chú ý, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, hiện bình quân mỗi ngày bảo tàng đón 800-1.000 lượt khách. 6 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 160.000 lượt khách tham quan, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Bảo tàng Đà Nẵng trong Thành Điện Hải hiện nay có diện tích sàn trưng bày 3.414m2 (chưa kể 1.400m2 tầng hầm, phòng làm việc, kho), lưu giữ hơn 16.000 tài liệu, hiện vật với 22 chuyên đề trưng bày; nếu chuyển về khu 42 Bạch Đằng chỉ có tổng diện tích sàn 2.260m2, thiếu đến 1.200m2 trưng bày.

Qua quá trình khảo sát, lập phương án, đã có nhiều ý kiến đề nghị nên lấy luôn cơ sở 44 Bạch Đằng (trụ sở HĐND TP) và 31 Trần Phú (Vườm ươm doanh nghiệp, đấu lưng với 44 Bạch Đằng) để làm Bảo tàng Đà Nẵng. Như vậy sẽ kết hợp Bảo tàng Đà Nẵng với Thư viện Đà Nẵng, Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, quảng trường Thành Điện Hải tạo thành quần thể văn hóa – lịch sử và nâng Bảo tàng Đà Nẵng lên tầm Bảo tàng khu vực.

lẫn các ngành hữu quan của Đà Nẵng đều đề nghị...

Tuy nhiên trước đó, ngày 10/5, Ban Cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo Thường trực Thành ủy cho chủ trương di dời trụ sở HĐND TP về số 44 Bạch Đằng kết hợp 31 Trần Phú; đồng ý di dời Bảo tàng Đà Nẵng về số 42 Bạch Đằng, giữ nguyên Hội trường 42 Bạch Đằng phục vụ các kỳ họp HDDND TP. Ngày 5/7, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo “khẩn trương triển khai phương án di dời Bảo tàng Đà Nẵng về 42 Bạch Đằng”.

“Nếu chỉ cải tạo số 42 Bạch Đằng thì không đủ diện tích cho Bảo tàng; chưa kể Thư viện Đà Nẵng (số 46 Bạch Đằng) hiện cũng đã quá tải. Nếu lấy được khu nhà, đất số 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú đang nằm chen vào giữa để kết nối liên hoàn không gian mở thư viện – bảo tàng thì sẽ rất tuyệt, nhưng chúng tôi cũng ngại đề xuất vì có thể sẽ trái với chủ trương Thường vụ Thành ủy đã thông báo nên rất khó!” – Ông Huỳnh Văn Hùng nói.

Các ngành đồng tình dành thêm nhà, đất “vàng” cho Bảo tàng Đà Nẵng

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng: “Không có gì khó lắm đâu! Vấn đề là chúng ta phải bàn cho kỹ để ra được phương án tốt nhất, tối ưu nhất phục vụ hoạt động chung chứ đừng ngại gì hết. Các phương án, giải pháp đưa ra phải thật thuyết phục mà lãnh đạo TP không thể không gật được. Như thế mới giỏi!”.

Hàng loạt ý kiến sau đó của đơn vị tư vấn, đại diện lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng, Văn phòng HĐND TP… cũng đều ủng hộ việc di dời trụ sở HĐND TP Đà Nẵng và Vườn ươm doanh nghiệp đến địa điểm khác, để dành các khu nhà, đất 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú cho Bảo tàng Đà Nẵng.

lấy thêm các khu nhà đất 44 Bạch Đằng (trụ sở HĐND TP Đà Nẵng)...

Ông Đặng Việt Dũng nêu rõ: Các lãnh đạo cao nhất của TP hiểu rất rõ ý nghĩa của việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng, dành rất nhiều sự quan tâm, có nhiều văn bản đôn đốc vì đây là công trình rất quan trọng, năm nay Đà Nẵng kỷ niệm 160 năm đi đầu kháng Pháp và thành Điện Hải là di tích bậc nhất trong sự kiện này. Tuy nhiên sự phối hợp của các sở, ngành hữu quan vừa qua chưa tốt khiến công tác chuẩn bị đầu tư chậm tiến độ trong khi thời hạn 31/10 đã đến gần.

Tán thành quan điểm hình thành quần thể văn hóa – lịch sử tại khu vực này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Xây dựng Đà Nẵng khẩn trương làm việc với Viện Kiến trúc Quốc gia (đang được UBND TP Đà Nẵng giao nghiên cứu quy hoạch xây dựng quảng trường lấy Di tích Thành Điện Hải làm trung tâm) để có ngay phương án sơ bộ về quy hoach, kết nối Bảo tàng Đà Nẵng với thư viện, thành Điện Hải, Trung tâm hành chính, quảng trường…

“Di dời Bảo tàng Đà Nẵng là công trình rất quan trọng, rất cấp bách, phải tập trung lực lượng để làm chứ cứ ngành này tranh luận với ngành kia sẽ rất khó khăn. Để làm được thì việc đầu tiên là phải xác định dứt dạc quy hoạch khu vực này. Vì vậy, Sở Xây dựng phối hợp với Viện Kiến trúc quốc gia để thứ Sáu tuần này (ngày 18/8-PV) có phương án cho Ban cán sự UBND TP xin ý kiến bố trí họp Thường vụ Thành ủy để nghe báo cáo. Hy vọng tuần sau sẽ giải quyết được vấn đề này!” – ông Đặng Việt Dũng nói.

Cùng với đó, ông Dũng đề nghị đơn vị tư vấn bên cạnh quy hoạch Bảo tàng Đà Nẵng tại khu 42 Bạch Đằng thì cũng lập thêm quy hoạch Bảo tàng Đà Nẵng nếu các khu 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú được lãnh đạo TP thống nhất dành cho bảo tàng này, để kịp thời trình cùng lúc với phương án quy hoạch khu vực của Viện Kiến trúc quốc gia như nêu trên.

...và 31 Trần Phú (Vườm ươm doanh nghiệp) kết hợp với khu 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng. (Ảnh: HC)

“Các phương án này chỉ mang tính chất rất đại cương nhưng cơ bản để lãnh đạo TP xem xét cho chủ trương, trên cơ sở đó mới đi sâu vào các giải pháp kỹ thuật, kiến trúc cụ thể!” – ông Đặng Việt Dũng nói.

Ông cũng yêu cầu Sở VH-TT, Bảo tàng Đà Nẵng và đơn vị tư vấn đến cuối tuần này có báo cáo về đề cương trưng bày hiện vật tại bảo tàng này theo hai phương án kể trên. Đồng thời yêu cầu Ban quản lý dự án khẩn trương tiến hành việc kiểm định chất lượng tòa nhà 42 Bạch Đằng (đã khoảng 100 tuổi) để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi cải tạo và hoạt động theo công năng bảo tàng...

Xu hướng hiện nay trên thế giới là sử dụng các công trình kiến trúc có tính lịch sử để làm bảo tàng. Việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng đến vị trí mới là quyết định có tầm nhìn rất xa.

Tuy nhiên so sánh với các bảo tàng địa phương thôi, như Bảo tàng Đắk Lắk có tổng diện tích trưng bày 10.000m2 sàn, Bảo tàng Quảng Ninh 11.000m2 sàn thì khu nhà 42 Bạch Đằng để chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về chỉ có hơn 2.000m2. Vì vậy, tôi đề nghị nên biến toàn bộ khu vực xung quanh đó trở thành trục văn hóa – lịch sử. Cần phải có tầm nhìn xa và có sự đầu tư thỏa đáng.

Có thể giai đoạn này chúng ta chưa làm hết được, nhưng cần phải dành độ mở cho thế hệ sau có điều kiện phát triển sẽ làm tốt hơn, chứ không nên “đóng khung” vào thì sau này con cháu sẽ khó phát triển được và sẽ dẫn tới những cái sai lầm như chúng ta đã gặp là bảo tàng nằm trong Di tích Thành Điện Hải!

(PGS.TS Phạm Văn Dương, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)

Tác giả: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP