Tin địa phương

Đề xuất lấn biển Đà Nẵng: Nếu cứ tù mù, mông lung...

Với các dự án nhiều nguy cơ, Đà Nẵng phải công khai minh bạch mọi thông tin để các nhà khoa học họ đóng góp ý kiến.

Lấn biển mà không có đánh giá kỹ thì tác hại rất lớn

Mới đây, liên minh một số nhà đầu tư đề xuất thực hiện Dự án đảo Hoa Sen tại vịnh Đà Nẵng từ việc xây dựng lấn biển, vốn 8 tỷ USD. Cách đó không lâu, Quận ủy Thanh Khê cũng đã đề xuất lấn biển dọc đường Nguyễn Tất Thành để làm sống lại bờ biển trên bằng các dịch vụ du lịch và chuỗi khách sạn.

Trao đổi với Đất Việt, ông Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, người nhiều năm nghiên cứu dòng chảy, thủy văn và hiện đang tham gia phản biện, tham vấn đánh giá tác động môi trường cho nhiều dự án, đề nghị phải cân nhắc vị trí lấn biển và ý tưởng xây dựng các công trình.

Bởi vì, dù một số nơi lấn biển vẫn tạo điều kiện tốt để phát triển kinh tế xã hội, nhưng phần lớn lấn biển gây tác hại. Điều đáng nói hiện nay các thông tin dự án vẫn chưa rõ ràng, chưa biết được thông tin cụ thể lấn bao nhiêu diện tích biển, công trình diện tích ra sao, nên mọi thứ còn rất mông lung.

Ông Thắng phân tích: "Trong vấn đề lấn biển phải đánh giá rất kỹ, nghiên cứu kỹ nhiều khía cạnh chứ không phải cứ như vậy mà làm thì hậu quả vô cùng lớn.

Khu đô thị quốc tế Đa Phước đã lấn vịnh Đà Nẵng từ 2007. Ảnh TNO

Những điểm cần lưu ý khi làm: Một là, trong mùa bão lụt có tác hại hay không; hai là, dòng biển, cụ thể dòng ven bờ rất quan trọng, lấn biển sẽ bị tác động ra sao; ba là, chế độ sóng và gió, nếu xây dựng thì sẽ thay đổi gây tác hại rõ rệt như thế nào.

Việc đánh giá kỹ dự án là cực kỳ khó, cần có phản biện và ý kiến các nhà khoa học".

Phân tích cụ thể hơn, ông Thắng dẫn chứng: “Vịnh Đà Nẵng đã phải trả giá khi kho xăng dầu K83 (chân đèo Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu) lấn vịnh làm cả bờ biển phường Hòa Hiệp Bắc xói lở, xâm thực hàng trăm mét dài”.

Riêng với khu dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành thuộc vịnh Đà Nẵng biết khéo léo, đánh giá kỹ, lợi dụng tốt chế độ gió, chế độ sóng và chế độ dòng ven biển thì sẽ lấn được biển để phát triển.

Nhưng nếu như lấn biển ngay đầu đường Hoàng Sa - Đà Nẵng là cả bờ biển đường Võ Nguyên Giáp, đường Trường Sa bị tác động là chắc chắn. Nếu tạo luôn đảo bên ngoài thì tốt cho bờ, vì lúc đó nó sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng, gió đánh vào, từ đó năng lượng đưa vào bờ giảm đi.

Nếu cứ lấn từ trong bờ lấn ra là sẽ tác hại vô cùng nguy hiểm, nên điểm mấu chốt vẫn là phải xem xét cho kỹ chế độ sóng, gió, dòng chảy. Nói chung, lấn biển mà không có đánh giá tốt thì tác hại rất lớn.

"Quan trọng nhất vấn đề cần cân nhắc hơn cả là thiên tai, mà bằng chứng là những sự việc đã xảy ra thời gian qua. Cơn bão Xangsane 2006 và bão số 9 năm 2009 gây hậu quả nặng nề cho đường Nguyễn Tất Thành.

Đường Nguyễn Tất Thành quy hoạch sai là mở đường quá gần mép nước, do điều kiện kinh tế thành phố lúc đó chỉ có thể làm được như vậy.

Bờ biển nhỏ hẹp, khi bão lớn vào, họng gió vào vịnh rất lớn mang theo sóng to đánh vào bờ thì bờ kè, vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành không chịu nổi.

Do đó, không chỉ vịnh Đà Nẵng, mà chuỗi bờ biển có các công trình sát bờ biển trải dài từ Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đến Hội An cũng đứng trước nguy cơ bị thiên tai tàn phá hoặc xâm thực nặng nề do ở quá gần mép nước.

Hay dự án lấn biển “Vầng trăng khuyết” đang triển khai, đã bắt đầu xảy ra những tác động môi trường do việc lấn gần 200ha tại dự án này. Cụ thể tại khu vực Liên Chiểu, Nam Ô đã bắt đầu xói lở, ngân sách đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để làm bờ kè chống xói lở.

Nếu tiếp tục đắp, lấn biển tại vịnh Đà Nẵng thì cân bằng sinh thái, tính ổn định địa hình địa mạo của cả vùng vịnh này sẽ đối diện nhiều nguy cơ" ông Thắng chỉ rõ.

Phải công khai toàn bộ thông tin

Nhìn ra các nước khác, theo nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, các nước cũng có việc lấn biển xây dựng các công trình, tiêu biểu như Dubai-các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất- các khu đô thị mới, các tòa nhà chọc trời đều được xây ra biển.

Thế nhưng họ xây dưới dạng đảo mới, tạo thành đảo nổi, nằm bên ngoài, không liên quan đến dòng ven bờ, còn lại lưu thông từ đất liền ra bằng tàu.

Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất là nước phát triển, họ đã từng có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng trên, còn Đà Nẵng thì không.

Chưa đánh giá kỹ lưỡng tất cả các yếu tố ngoài, yếu tố tự nhiên, dòng chảy ven bờ, chế độ sóng, gió, thì khó lòng thành công. Bởi gió cũng có nhiều loại, như gió mùa, gió mùa hè Tây Nam, Tây Bắc rồi mùa lạnh không khí lạnh tràn, mà mỗi loại gió sẽ làm sóng đi theo hướng khác nhau.

Ngoài ra, có những đặc điểm riêng về địa hình, vịnh Đà Nẵng đổ ra 2 con sông lớn sông Hàn, sông Thu Lê, mà các khu vực trên độ bồi đắp phù sa lớn, tránh xây dựng mà mất đi sự tự nhiên trên", ông Thắng khẳng định.

Về điều cuối cùng, theo vị chuyên gia trên, phải công khai minh bạch mọi thông tin để các nhà khoa học họ đóng góp ý kiến, đừng lo ngại việc góp ý.

Tác giả: Châu An

Nguồn tin: Báo Dân Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP