Trong nước

ĐBQH: Giữ hình thức giáng chức để ‘tận dụng chất xám’ cán bộ

“Việc áp dụng hình thức giáng chức cũng tiếp tục tận dụng chất xám của cán bộ đó tại vị trí việc làm gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ công chức đó sửa sai, sửa chữa khuyết điểm của mình để tiếp tục phấn đấu vươn lên”, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mong Văn Tình nói.

Chiều 10/6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đại biểu Mong Văn Tình. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) chia sẻ, không băn khoăn gì với việc xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu vì được dư luận đồng tình cao; có tác dụng răn đe khi điều này tác động đến tâm lý của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hằng, việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức về hưu với hình thức xóa tư cách thì chưa phù hợp lắm. Theo bà Hằng luật nên đưa nội dung “xử lý hay không xử lý” với cán bộ, công chức đã về hưu.

Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) cho rằng, việc kỷ luật cán bộ, công chức đã về hưu thực chất là xử lý hồi tố. Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Quốc hội cân nhắc việc luật hóa với hình thức kỷ luật “xóa tư cách” chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Bởi lẽ theo đại biểu việc “xóa tư cách” đã đảm nhiệm chỉ là “xóa cái danh” của cán bộ, công chức đó.

“Quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh đó (hệ số phụ cấp, thưởng…) cán bộ, công chức đó đã được hưởng thì có bị truy thu hay không?”, đại biểu Tình nói.

Đại biểu Mong Văn Tình cho rằng, nếu luật hóa việc “xóa tư cách” cán bộ, công chức thì cũng đồng nghĩa với những quyết định, văn bản của cán bộ, công chức đó ký cũng không còn có hiệu lực. Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cần có quy định xử lý các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách mà cán bộ, công chức được hưởng nếu họ bị “xóa tư cách”, chức vụ đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm.

Liên quan đến hình thức kỷ luật giáng chức, ông Tình cho rằng, nếu bỏ hình thức giáng chức thì chỉ còn khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc.

“Đối với cán bộ công chức chưa đến mức phải cách chức hay buộc thôi việc mà chỉ hạ bậc lương hay cảnh cáo, khiển trách thì quá nhẹ. Áp dụng hình thức giáng chức là phù hợp. Ví dụ công chức giữ chức vụ trưởng phòng, khi bị giáng chức sẽ xuống phó trưởng phòng thay vì cách chức làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận hết mọi đóng góp của công chức trong quá trình dài”, ông Tình nói.

Theo ông Tình, việc áp dụng giáng chức cũng tiếp tục tận dụng được chất xám của cán bộ đó tại vị trí việc làm gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ công chức đó để sửa sai sửa chữa khuyết điểm của mình để tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho rằng quy định xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu cần cân nhắc thời gian xử lý, hình thức xử lý với trách nhiệm hành chính, hình sự đối với vi phạm và giải quyết hậu quả pháp lý của việc xử lý kỷ luật.

Theo đại biểu Huyền, với cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm trong quá trình công tác thì ngoài hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách, thì trong luật nên quy định thêm hình thức như cắt, tước bỏ các quyền lợi về chính trị, vật chất mà cán bộ, công chức vẫn đang được hưởng thì tác dụng của việc răn đe sẽ thiết thực hơn.

Tác giả: TRƯỜNG PHONG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: ĐBQH , Giáng chức , cán bộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP