>>Nghệ An: Nghẹn lòng hai anh em ruột tử vong trong vòng hai tháng vì bệnh viêm thận
>>Khám sàng lọc cho 200 học sinh vì viêm cầu thận cấp bất thường
>>20 học sinh bị suy thận, Sở Y tế Nghệ An nhờ Bộ Y tế vào cuộc
>>Triệu tập Hội đồng xác định nguyên nhân 20 HS bị suy thận tại Quế Phong
>> Quế Phong: 20 học sinh bị suy thận do ngộ độc
Căn nhà sàn vách nứa của gia đình anh Lô Văn Quê (42 tuổi, ngụ bản Chăm Pụt, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) hai ngày qua đông người ra vào. Họ đều là bà con dân bản đến động viên, chia buồn sau sự mất mát lớn của gia đình. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, căn bệnh viêm cầu thận đã cướp đi sinh mạng hai cậu con trai, không nỗi đau nào bằng.
Vợ chồng anh Quê người dân tộc Thái, sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái). Hai người con đầu đã yên bề gia thất. Hiếu và Tuấn đang sống cùng cha mẹ.
Gia đình nghèo khó, vợ chồng anh Quê lam lũ quanh năm trong núi rừng nhưng vẫn không đủ tiền đong gạo, nuôi hai đứa con nhỏ ăn học. Hiếu học ở điểm trường chính tại trường tiểu học và THCS Hạnh Dịch, cách nhà 5 km. Đường từ nhà ra trường dốc, hiểm trở, xe máy không đi được. Hiếu cũng như những bạn trong bản hàng ngày phải đi bộ suốt chặng đường dài mới đến được trường. Tuấn học điểm trường phụ ngay trong bản, cách nhà khoảng 1km.
Anh Quê kể lại nỗi đau của gia đình
Nhắc đến nỗi đau của gia đình, anh Quê nhìn lên di ảnh hai người con xấu số gạt nước mắt. Ngày 2/12/2016 thấy Hiếu có những biểu hiện bất thường như sốt cao, chảy máu dưới da, chân tay sưng phù, bí tiểu nên gia đình đưa đến bệnh viện. Chẩn đoán bệnh nhân bị viêm cầu thận cấp, có diễn biến xấu nên bác sỹ quyết định chuyển thẳng lên tuyến tỉnh. Điều trị được mấy ngày, không còn hi vọng cứu chữa, gia đình xin đưa Hiếu về nhà để được ở bên gia đình ngày nào hay ngày ấy. Thế nhưng, về được 4 ngày thì Hiếu mất.
"Thằng Hiếu đi nhanh lắm, chỉ sau 8 ngày phát hiện ra bệnh là nó đi. Ngày nó lâm bệnh, thứ quý giá nhất trong gia đình là con trâu cũng bán đi để lấy tiền cứu con. Nhưng rồi của mất, con cũng chẳng còn, đau xót lắm." Anh Quê thở dài chia sẻ.
Hiếu mất mới 20 ngày, nỗi đau chưa kịp nguôi thì ngày 3/1/2017 gia đình anh Quê lại hoảng hồn khi phát hiện cậu con trai út Lô Văn Tuấn có những biểu hiện tương tự người anh trai xấu số nên đưa đến bệnh viện. Tại đây bác sỹ chuẩn đoán Tuấn bị suy thận cấp, quyết định chuyển thẳng lên tuyến tỉnh. Một ngày sau đó, Tuấn được chuyển ra bệnh viện trung ương.
Ngồi thẩn thờ trước hiên nhà, anh Lô Văn Hoài (22 tuổi, anh trai Hiếu và Tuấn) hướng đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhìn về phía di ảnh hai em trai chia sẻ: Ngoài hai người em trai xấu số thì anh Hoài là người thạo tiếng phổ thông nhất. Cha mẹ vốn nghèo khó, hơn nửa cuộc đời chỉ biết gắn bó với nương rẫy, núi rừng, có đi xa nhất cũng chỉ là bệnh viện tuyến huyện.
Anh Hoài nhớ lại ngày cùng em trai giành giật sự sống tại bệnh viện
Vì cha mẹ không thông thạo tiếng Việt nên suốt một tháng ròng Tuấn điều trị ngoài Hà Nội, anh Hoài gánh trách nhiệm chăm sóc. Tết vừa rồi là cái Tết xa nhà đầu tiên của anh em Hoài. Nhưng rồi sau một tháng điều trị, anh Hoài nén nỗi đau, đưa em trai về nhà vì không còn khả năng cứu chữa.
"Bác sỹ nói Tuấn phải chạy thận suốt đời mới duy trì được sự sống. Gia đình tôi quá nghèo, không có tiền chữa trị tiếp nên tôi đành đưa Tuấn về nhà chấp nhận số phận. Đến chiều 20/2 thì Tuấn đi." Anh Hoài nghẹn ngào.
Nhìn vợ nằm vật vả trên chiếc giường nhỏ, gắng ngượng chút sức lực yếu ớt còn lại gào khóc, gọi tên hai con trai khiến anh Quê không cầm được nước mắt. "Mỗi lần bất lực nhìn con ra đi tôi đau như bị ai đó cầm dao cắt đi từng phần trên cơ thể mình. Người ta mất đi một đứa đã đau đớn, đằng này, chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi mất cả hai đứa con, không nỗi đau nào bằng. Chúng còn quá nhỏ, rất ngoan, chịu khó, vậy mà…" Nói đến đây, anh Quê ôm mặt khóc nức nở.
Cả xã hoang mang
Tang thương bao trùm bản Chăm Pụt, chỉ trong vòng hơn 2 tháng gia đình anh Quê đội trên đầu 2 vành khăn tang trắng xóa. Cái chết của hai đứa trẻ cùng chung một căn bệnh quái ác khiến dân bản hoang mang. Ai nấy đều tỏ ra bất an, lo sợ vì tại thời điểm này có đến 20 trường hợp đều trong một xã nhập viện vì chứng bệnh viêm cầu thận cấp. Điều đáng nói, những trường hợp này đều là học sinh trong độ tuổi từ 7 đến 14.
Ông Lương Tiến Lê (chủ tịch xã Hạnh Dịch) cho biết: Xã Hạnh Dịch nằm cách trung tâm huyện 30km, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Ở đây, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, chưa có hệ thống nước sạch. Người dân đang lấy nước từ khe suối để sinh hoạt. Hiện toàn xã có đến 6 bản chưa có điện thắp sáng và sóng điện thoại.
"Gia đình hai cháu Lô Văn Hiếu và Lô Văn Tuấn thuộc hộ gia đình khó khăn của xã. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc tiền công ít ỏi mà anh Quê nhận được sau những ngày vào rừng làm thuê. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, địa phương đã cắt cử người đến chia buồn, động viên gia đình." Ông Lê xác nhận.
Chia sẻ với PV, ông Lê Văn Giáp (chủ tịch UBND huyện Quế Phong) cho biết. Thống kê từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017, toàn xã Hạnh Dịch có 20 trường hợp mắc bệnh viêm cầu thận cấp. Trong đó có 17 học sinh học THCS và 3 học sinh học tiểu học tại trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch. Đã có hai trường hợp là hai anh em trong một gia đình đã tử vong. 18 trường hợp còn lại sau một thời gian điều trị đã ổn định sức khỏe, đi học trở lại; 8 trường hợp khác đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện và tại nhà.
Người dân hoang mang trước sự ra đi của hai đứa trẻ vì căn bệnh quái ác
Hiện phía địa phương đang kết hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức khám sàng lọc cho 200 học sinh trên toàn xã, đồng thời tìm ra nguyên nhân, hướng điều trị phù hơp.
Tác giả bài viết: Hùng Cường-Nhã Hoàng
Nguồn tin: