Là một người đam mê du lịch, khám phá, Đại sứ Australia tại Việt Nam có ấn tượng đặc biệt với khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Hà Giang. Hồi đầu năm ngoái, ông đã cùng gia đình du lịch tới Hà Giang và bị choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ cũng như bản sắc văn hóa dân tộc ở nơi đây.
Đồng thời, ông cũng nhận thấy những khó khăn mà người dân Hà Giang - một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam - đang phải đối mặt. Trong năm tài chính 2015-2016, trên cương vị Đại sứ, ông đã ký duyệt và cho thực hiện 13 dự án trong khuôn khổ của Quỹ Tài trợ Trực tiếp (DAP) tại tỉnh Hà Giang.
Đại sứ Hugh Borrowman thăm xưởng làm mành cọ của phụ nữ Dao ở xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Tuần qua, Đại sứ đã cùng vợ và con trai tới thăm 5 dự án đã hoàn thành tại Hà Giang cũng như trải nghiệm du lịch homestay (ở tại nhà dân) tại Lũng Cú và Mèo Vạc trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào mùa hè này.
Vốn là người yêu thích văn hóa, mỗi dịp cuối tuần, Đại sứ thường lái xe máy dạo chơi quanh Hà Nội và các địa danh nổi tiếng ở vùng lân cận. Khi tới Hà Giang, ông không ngại đi bộ hay trèo núi và rất thích thú khi được nghỉ lại nhà dân, cùng họ thưởng thức những món ăn dân dã. Ông đặc biệt ấn tượng với món gà đen, lợn treo gác bếp, các loại rau tươi và rượu ngô đặc sản của người dân nơi đây.
“Với cá nhân tôi, Hà Giang là điểm đến hấp dẫn nhất ở Việt Nam. Ai cũng nên đi du lịch Hà Giang ít nhất một lần. Cảnh thiên nhiên tại đây quá đẹp, hùng vĩ, đồ ăn địa phương rất ngon và các loại hình văn hóa dân tộc thì phong phú và rất hấp dẫn”, Đại sứ Hugh Borrowman tâm sự. Ông cũng chia sẻ mình thường xuyên khuyến khích bạn bè, người thân và đồng nghiệp tới thăm nơi đây.
Đỉnh đèo Mã Pì Lèng là một trong những điểm du lịch yêu thích nhất của Đại sứ Australia.
Trong những ngày thăm Hà Giang vừa qua, Đại sứ Australia đã tặng hơn 1.000 mũ bảo hiểm cho học sinh và giáo viên ở huyện Bắc Quang, hỗ trợ thiết bị, máy móc, tạo việc làm cho phụ nữ Dao ở huyện Vị Xuyên và huyện Đồng Văn. Ngoài ra, ông cũng trao tặng 6 nhà tiêu sinh học cho Trường Dân tộc nội trú Hồ Quảng Phìn cũng như hệ thống đập nước, bể lọc và bể chứa nước cho thôn Lô Lô Chải – nơi thường xuyên đối mặt với việc thiếu nước do địa hình núi đá cao. Đại sứ Australia cũng đã trồng một cây đa ở khu vực nhà văn hóa Lô Lô Chải với mong muốn có nhiều màu xanh tự nhiên hơn tại vùng đất khô cằn này.
Vị Đại sứ thân thiện này luôn thích thú khi được dùng vốn tiếng Việt khiêm tốn của mình để nói chuyện trực tiếp với người dân địa phương. Ngoài việc tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa, Đại sứ Hugh Borrowman cũng cố gắng đến thăm lại những địa danh mà bất cứ một ai đến du lịch Hà Giang cũng phải dừng chân thưởng thức như Nhà Vương (Mèo Vạc), Đèo Mã Pì Lèng (Đồng Văn), cột cờ Lũng Cú, quán cà phê Cực Bắc tại thôn Lô Lô Chải và cả những cột mốc biên giới Việt-Trung trên địa bàn tỉnh.
Đại sứ Hugh Borrowman bên các em học sinh của trường Dân tộc Nội trú Hồ Quảng Phìn.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Đại sứ chúc mừng tỉnh đã thu hút được thêm nhiều khách du lịch, đặc biệt là trong các Lễ hội hoa Tam Giác Mạch. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng điều quan trọng nhất trong việc giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống là vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc và tính hoang sơ của tự nhiên. Ông hy vọng chính quyền địa phương làm tốt việc này để Hà Giang có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.
Trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6 năm nay, Đại sứ Hugh Borrowman đã cùng 7 Đại sứ các nước gồm Mỹ, Anh, Thụy Điển, Italy, Canada, Czech và Argentina tại Hà Nội lên kế hoạch bỏ tiền túi khám phá Sơn Đoòng vào giữa tháng 5. Sau khi đã trải qua các đợt thẩm định sức khỏe, kinh nghiệm du lịch mạo hiểm, kinh nghiệm đi rừng, họ đang rất hào hứng cho chuyến đi sắp tới.
Tác giả bài viết: Nguyên Minh