Lễ hội Pitru Paksha của người theo đạo Hindu
Đây là một lễ hội truyền thống của đạo Hindu, kéo dài 15 ngày trong tháng Ashwin. Đây là thời điểm để tưởng nhớ và cúng kính tổ tiên. Trong thần thoại Hindu, khi linh hồn của chiến binh Karna lên đến thiên đường, ngài không tìm được bất kỳ thứ gì để ăn ngoài vàng. Không thể chịu nổi, Karna hỏi Đức Chúa trời Indra rằng thức ăn ở đâu. Đức Chúa trời Indra đáp rằng Karna chỉ được ăn vàng bởi khi còn sống, ông chẳng bao giờ chú ý đến việc cúng kính tổ tiên.
Để có được thức ăn, Karna buộc phải trở trở về trần gian trong 15 ngày để chuộc lỗi bằng cách phân phát thức ăn và nước uống cho chúng sinh. Kể từ đó, ngày lễ Pitru Paksha ra đời. Trong ngày lễ này, con cháu phải cầu nguyện và thực hiện đầy đủ các nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời đây cũng là dịp để người theo đạo Hindu cầu an, cầu sức khỏe và tiền đồ, sự nghiệp.
Lễ hội Bisket tôn vinh 2 vị thần
Lễ hội Bisket diễn ra trong 9 ngày, đó là ngày đầu năm mới của người Nepal, lễ hội chính thức diễn ra từ ngày 9.4. Trong 9 ngày lễ hội, thần Bhairava và nữ thần Bhadrakali được rước trên hai cỗ xe lớn, được kéo trên một quảng trường lớn, sau đó là nghi thức ban phước lành năm mới cho mọi người.
Nepal là một trong số các quốc gia có nhiều lễ hội nhất thế giới. Ở đây có tới 120 ngày lễ trong 1 năm, phần lớn là lễ hội tôn giáo. Mỗi lễ hội như vậy thường kéo dài hàng tuần, thậm chí cả tháng. Gần như ngày nào thành phố Kathmandu cũng tràn ngập không khí của lễ hội.
Người Nhật tổ chức lễ hội O-Bon nhớ tổ tiên
O-Bon là một lễ hội truyền thống ở Nhật Bản đã có từ 500 năm nay. Tại lễ hội Bon Odori của người Nhật, mọi người trong gia đình tập trung lại và tổ chức lễ tưởng niệm ông bà tổ tiên của họ. Nghi thức này xuất phát từ truyền thống Phật giáo Trung Quốc, đó là một sự pha trộn của niềm tin Phật giáo và thờ cúng tổ tiên. Trong suốt 1 tuần lễ đó, người ta treo đèn lồng với mục đích để hướng dẫn những linh hồn trở về.
Ngày lễ Vu lan hay “Xá tội vong nhân” của Phật giáo, ở Nhật gọi là Urabon hoặc O-Bon. Lễ O-Bon kết hợp những truyền thống của Nhật Bản và Ấn Độ, tạo thành một lễ hội Phật giáo mang đặc trưng riêng của Nhật Bản.
Lễ hội O-Bon ở Nhật Bản thường được tổ chức trong 3 ngày, có khi kéo dài cả tuần lễ, nên được gọi là Tuần lễ O-Bon. Ngày đầu tiên là ngày đón mừng lễ hội, còn ngày cuối cùng được xem là ngày tạm biệt lễ hội.
Vào dịp lễ hội O-Bon, mọi người dù có đi đâu cũng đều trở về quê hương của mình, đoàn tụ với người thân trong gia đình để cùng bày tỏ lòng thành kính tri ân, lòng hiếu thảo đến tổ tiên, ông bà. Cũng trong những ngày này, người Nhật dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, dâng cúng hoa quả, phẩm vật lên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên ở trong nhà.
Trong ngày đầu tiên của lễ hội O-Bon, người ta treo và thắp sáng các lồng đèn ở phía trước căn nhà, đi thăm viếng lăng mộ của người thân đã quá cố và vệ sinh, tu sửa lăng mộ rồi mời linh hồn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng về đoàn tụ với con cháu. Ở một số vùng, lồng đèn không những được treo ở trong nhà mà còn được treo dọc theo các con đường dẫn vào nhà để hướng dẫn linh hồn người quá vãng.
Rước Thánh Rắn để... rắn cắn không chết
Hàng năm, cứ vào thứ 5 đầu tiên của tháng 5, người dân tại thị trấn Cocullo thuộc miền trung Italia lại tiến hành một lễ rước để tưởng nhớ Thánh Domenico, được mệnh danh là “Thánh Rắn”. Trong truyền thuyết, Thánh Domenico được tin là đã cứu mạng nhiều người từng bị rắn cắn.
Người dân quan niệm rằng rước Thánh Rắn khắp thị trấn sẽ giúp họ tăng khả năng miễn dịch với nọc độc rắn cắn trong năm sau. Đây là một trong những lễ hội lạ lùng nhất ở Italia.
Lễ các Thánh kết nối con người và những linh hồn
Lễ các Thánh (còn gọi là Lễ Chư Thánh hoặc Lễ các Thánh Nam Nữ) là một lễ được tổ chức trọng đại vào ngày 1.11 hàng năm trong Kito giáo phương Tây hoặc Chủ nhật đầu tiên sau Lễ Ngũ tuần trong Kito giáo phương Đông, nhằm tôn vinh tất cả các vị Thánh Kito giáo đang hưởng phúc trên thiên đàng. Ở nhiều quốc gia có truyền thống Công giáo, Lễ các Thánh là một ngày lễ nghỉ.
Trong Giáo hội Công giáo Roma và nhiều giáo hội Anh giáo, tiếp theo sau ngày Lễ các Thánh là ngày Lễ các Đẳng (hoặc Lễ các Đẳng Linh Hồn) vì họ tin rằng có sự cầu nguyện hiệp thông giữa những người đang sống ở trần thế và những người đã được lên thiên đàng.
Lễ Thánh Patrick
Lễ Thánh Patrick là lễ hội truyền thống của người dân Ireland, được tổ chức hàng năm vào Chủ nhật gần ngày 17.3 nhất để tưởng nhớ Saint Patrick, vị Thánh của đất nước này. Việc tổ chức Lễ hội Thánh Patrick hoành tráng ở nhiều nơi trên thế giới là do cộng đồng người Ireland tiến hành để tưởng nhớ vị thánh của quê hương họ. Tương truyền lúc sinh thời, ông thường dùng cây cỏ 3 lá để giải thích cho thuyết “Ba ngôi một thể” của Thiên Chúa: Cha, Con và các đức Thánh thần. Ngày nay, màu xanh lá cây và hình ảnh cỏ 3 lá là đặc trưng của Lễ hội Thánh Patrick.
Tác giả bài viết: Thảo Trang