Tin địa phương

Đà Nẵng: Thiệt hại về người, tài sản do cơn mưa lũ lịch sử như thế nào?

Đến nay, nhiều địa phương ở các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, đặc biệt huyện Hoà Vang vẫn còn ngập sâu.

Ngày 15/10, theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Tp.Đà Nẵng, áp thấp nhiệt đới và bão số 5 đã gây mưa rất to và kéo dài từ chiều đến đêm qua, lượng mưa phổ biến từ 400-700mm, cao nhất tại Sơn Trà 775 mm.

Thời điểm mưa lớn nhất từ 19h - 21h đêm 14/10, khiến cho Tp.Đà Nẵng bị ngập trên diện rộng, mức ngập từ 0,5-2m, có nơi ngập sâu hơn 3m, tạo ra các dòng chảy rất xiết và nguy hiểm, gây ngập úng nhanh, người dân trở tay không kịp, khó khăn cho công tác ứng cứu.

Nhiều khu vực bị chia cắt cục bộ và giao thông tê liệt; làm sạt lở ở Sơn Trà và 1 đoạn đường sắt qua địa phận Đà Nẵng. Nhiều khu dân cư nước ngập sâu.

Ông Nguyễn Văn Quảng và ông Lê Trung Chinh trong cuộc họp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tp.Đà Nẵng.

Trong ngày 14/10, toàn Thành phố này đã sơ tán kịp thời cả ngàn hộ dân đến nơi an toàn. Hàng nghìn nhà dân ngập sâu, nhiều tuyến đường sạt lở sau trận ngập lụt. Nhiều tầng hầm công trình khách sạn, nhà dân bị ngập.

Tại các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà, một số ô tô chết máy và một số điểm bị sạt lở, UBND quận hướng dẫn du khách đến chùa Linh Ứng để trú ẩn. Đất, đá, bùn trên bán đảo Sơn Trà tràn xuống mặt đường Lê Văn Lương trên diện rộng gây khó khăn trong việc đi lại.

Ước tính ban đầu có 7,5 hécta rau màu tại vùng rau La Hường, quận Cẩm Lệ ngập lụt.

Tình trạng ngập lịch sử tại Tp.Đà Nẵng vào tối 14/10.

Bên cạnh đó, lũ quét tràn từ trên núi Hải Vân xuống qua cầu dẫn số 1, số 2 phía nam hầm Hải Vân tạo thành dòng nước lớn, chảy xiết.

Quảng trường trước cửa hầm Hải Vân phía nam bị ngập, buộc đơn vị quản lý và khai thác hầm Hải Vân phải đóng cửa hầm, cắt cử lực lượng cứu hộ chốt trực tại cửa hầm phía bắc.

Trận mưa lũ lịch sử ngày và đêm 14/10 làm 2 người chết đuối, 1 người tử vong trong ngôi nhà ngập nước, 1 chiến sĩ Công an bị tử nạn, 1 ngư dân bị tử nạn trên đường về bờ tránh bão số 5.

Nhiều người dân bị kẹt giữa đường, không thể về nhà do nước dâng cao bất thường.

2 nạn nhân chết đuối là Võ Hoàng Nguyên T., sinh viên quê tỉnh Quảng Bình bị lũ cuốn trôi tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu; Lê Văn Th., ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang bị lũ cuốn trôi.

Ông Nguyễn Văn Đ., SN 1935, ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu chết trong nhà đóng cửa và bị ngập nước, cơ quan công an đang điều tra nguyên nhân.

Trong lúc mưa to, 1 chiến sĩ công an phường Thọ Quang, quận Sơn Trà đi làm về nhà tông vào đuôi xe container, sau đó tử vong tại bệnh viện.

Lực lượng chức năng cứu hộ người dân trong đêm.

Ngư dân Võ N., (SN 1980), quê thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền viên tàu cá QNg- 98896, trên đường từ đảo Cồn Cỏ vào bờ tránh bão số 5 thì bị cần cẩu trên tàu cá đánh vào đầu gây tử vong, chiều qua thi thể nạn nhân được đưa vào cảng cá Thọ Quang, Tp.Đà Nẵng.

Tại cuộc họp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tp.Đà Nẵng cùng ngày, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Tp.Đà Nẵng yêu cầu cần đảm bảo lương thực, nước sạch… cho người dân ở những vùng là những nơi đang ngập và dự báo còn tiếp tục ngập.

Đồng thời, các đơn vị tập trung cao độ, nỗ lực cao nhất, nhanh nhất khắc phục hậu quả sau mưa lớn.

Tuyến đường lên Sơn Trà bị sạt lở.

Các quận, huyện, Sở, ban, ngành tập trung khắc phục hậu quả của mưa, lũ; khẩn trương xử lý, khơi thông ngay những nơi còn ngập; khắc phục các điểm sạt lở ở quận Sơn Trà và huyện Hòa Vang; khắc phục tình trạng ngập nước ở các hầm chui giao thông, tầng hầm các khu chung cư...

Các đơn vị, địa phương triển khai công tác dọn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ lớn, nhất là ở các khu dân cư bị ngập sâu...

Ngoài ra, các quận, huyện chủ động việc thăm hỏi, động viên những gia đình bị nạn nếu có.

Ở huyện Hoà Vang, tình trạng ngập sâu vẫn còn diễn ra.

Bên cạnh đó, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng cho hay, đến nay, chính quyền địa phương các quận huyện đã toả ra các địa phương hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con. Một số khu vực ở đô thị như Thanh Khê, Liên Chiểu vẫn còn nước. Đặc biệt, địa bàn quận Hoà Vang đến nay vẫn ngập sâu.

“Chúng ta cần ghi nhận các lực lượng công an, quân đội, các lực lượng đóng trên địa bàn Thành phố đã hỗ trợ ứng cứu do mưa lũ vào đêm 14/10”, ông Chinh nhận định.

Tác giả: Nguyễn Duy Cường

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP