Giáo dục

Đà Nẵng tăng cường giáo dục kỹ năng sống trong trường học

Việc lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các chương trình học trong nhà trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đem lại một số kết quả đáng ghi nhận.

Tăng cường kỹ năng sống cho học sinh là yêu cầu cấp thiết và cũng là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Vài năm trở lại đây, các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chú trọng thực hiện nội dung này. Các trường học đã chọn nhiều hình thức, hoạt động mang đến sự hứng thú đối với học sinh.

Nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng cường dạy kỹ năng sống cho trẻ thông qua các buổi dã ngoại.

Giáo dục kỹ năng sống không phải là nói cho trẻ biết thế nào là đúng, thế nào là sai mà phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức. Thực hiện nội dung này, trường mầm non Tiên Sa, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã áp dụng phương pháp hình thành kỹ năng sống cho trẻ thông qua trải nghiệm như: tham quan, dã ngoại, giúp trẻ trải nghiệm, bộc lộ cảm xúc, khả năng tư duy, giao tiếp và phát triển vốn ngôn ngữ.

Cô Đặng Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non Tiên Sa, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, mầm non là độ tuổi giúp bé rèn kỹ năng cũng như thói quen của bản thân sớm nhất: "Chúng tôi cố gắng trong môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm với những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp cho trẻ có những cơ hội trải nghiệm, khám phá, tìm tòi thực hành. Từ đó, nâng cao kỹ năng sống cho trẻ".

Năm ngoái, trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu đã lồng ghép các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong các môn học; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Cùng với đó, nhà trường triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống với một số bài tập rèn luyện dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, thực hiện trong các tiết sinh hoạt lớp.

Cô Phạm Thị Thúy Loan, Phó Hiệu trường THCS Nguyễn Huệ là người trực tiếp giảng dạy một lớp kỹ năng sống cho học sinh từ hơn một năm nay. Cô Loan cho biết, nội dung các buổi học xoay quanh giáo dục kỹ năng về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tự đánh giá bản thân, kiểm soát cảm xúc.

Theo cô Loan thành công của lớp học là giúp các em sống vui vẻ nhất: "Tôi thấy hiệu quả mang lại rất rõ ràng cho học sinh. Tức là sau một buổi dã ngoại, một buổi giáo dục kỹ năng thì kết quả việc thay đổi nhận thức của học sinh rất tích cực. Rõ ràng, hoạt động kỹ năng phải là hoạt động trải nghiệm chứ không phải lý thuyết không thôi".

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, việc lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các chương trình học trong nhà trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đem lại một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc giáo dục như vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế, như: chưa được xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông; chưa có sự liên thông giữa các bậc học,…

Bà Lê Thị Bích Thuận đề nghị, cần đầu tư điều kiện về thời gian, con người đến cơ sở vật chất và các điều kiện khác để hướng đến mục tiêu sớm đưa môn học này vào chương trình giáo dục phổ thông mới: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh. Giáo dục kỹ năng sống thông qua nhiều hình thức. Có thể là các tiết sinh hoạt tại trường, các giờ hoạt động ngoại khóa, hoặc các buổi học trải nghiệm. Tất cả chúng tôi đều có các kế hoạch cụ thể đối với các trường trung học phổ thông. Còn đối với các trường Tiểu học, THCS, chúng tôi sẽ có trao đổi cụ thể đối với các đơn vị quận, huyện"./.

Tác giả: Phương Cúc

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP