Tin địa phương

Đà Nẵng: Sau gần 5 năm, chưa biết khi nào mới được đi bộ qua cầu Nguyễn Văn Trỗi

Đã hơn 4 năm rưỡi kể từ ngày UBND TP Đà Nẵng cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu Nguyễn Văn Trỗi để sửa chữa, cải tạo thành cầu đi bộ, đến thời điểm này vẫn chưa thể biết khi nào cây cầu mới được đưa vào khai thác trở lại.

Ngày 27/11, Văn phòng HĐND TP Đà Nẵng cho biết vừa nhận được văn bản của UBND TP Đà Nẵng trả lời ý kiến cử tri các quận, huyện sau kỳ họp thứ 4 HĐND TP khóa IX, nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 (kỳ họp cuối năm 2017) sẽ diễn ra từ ngày 5-7/12, trong đó có trả lời của UBND TP Đà Nẵng với thắc mắc của cử tri quận Sơn Trà về dự án cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi.

Sau gần 5 năm ngừng lưu thông, đến thời điểm này, cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn chưa được đưa vào khai thác với chức năng mới là cầu đi bộ (Ảnh: HC)

Theo ý kiến của cử tri quận Sơn Trà, cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi đã triển khai sửa chữa hơn 2 năm nhưng chưa hoàn thành và thường xuyên rào chắn giữa cầu. Cử tri quận Sơn Trà đề nghị UBND TP Đà Nẵng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án này để đưa vào phục vụ người dân.

Tại văn bản số 9488/UBND-TH ngày 21/11, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, đến thời điểm này cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi đã hoàn thành thi công và được bàn giao cho Sở GTVT Đà Nẵng quản lý.

Nhằm khai thác có hiệu quả cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch dự án công viên ở hai đầu cầu kết hợp với cầu Nguyễn Văn Trỗi và thực hiện kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho dự án này. Hiện nay các cơ quan chức năng đang thực hiện thủ tục đấu thầu dự án.

Như Infonet đã đưa tin, cầu Nguyễn Văn Trỗi (xây dựng năm 1965) là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn (năm 1960, cầu Trần Thị Lý cũng đã được xây dựng cách 70m về phía thượng lưu song là cầu đường sắt, sau năm 1975 mới cải tạo thành cầu đường bộ).

Mục đích ban đầu của hai cây cầu này đều là phục vụ chuyên chở vũ khí, khí tài từ cảng Tiên Sa vào Đà Nẵng nên quân đội Mỹ chỉ xây dựng theo kiểu dã chiến. Trước khi có cầu quay Sông Hàn (năm 2000), đây là nơi duy nhất để phương tiện giao thông đường bộ có thể vượt sông mà không phải sử dụng thuyền, phà.

Sau gần nửa thế kỷ, cũng như cầu Trần Thị Lý cũ, cầu Nguyễn Văn Trỗi không còn đáp ứng nổi nhu cầu ngày càng tăng về vận tải khách, hàng hoá phục vụ thương mại, dịch vụ, du lịch giữa trung tâm TP Đà Nẵng ở phía bờ Tây và khu du lịch phía bờ Đông sông Hàn; đồng thời không đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị.

Năm 2010, để xây dựng mới cầu dây văng Trần Thị Lý, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép tháo dỡ hai cây cầu cũ là Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Trỗi vốn đã xuống cấp nặng nề. Theo kế hoạch, sau khi cầu Trần Thị Lý (mới) xây dựng xong vào năm 2013 sẽ tiếp tục tháo dỡ cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Tuy nhiên, trong chuyến thị sát ngày 1/2/2012, ông Nguyễn Bá Thanh (lúc đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng) đã chỉ đạo nghiên cứu giữ lại cây cầu có kết cấu dạng cầu dàn thép poni với kiến trúc khá đẹp này và biến thành cầu đi bộ; bố trí cảnh quan phù hợp để người dân và du khách có thể dừng trên cầu nghỉ ngơi, vãn cảnh sông Hàn cùng vẻ đẹp của cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới) sau khi hoàn thành.

Theo đề nghị của Sở GTVT hồi tháng 3/2013, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc đó là ông Văn Hữu Chiến đã có văn bản đồng ý chủ trương cấm tất cả các phương tiện lưu thông trên cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện trạng kể từ ngày 29/3/2013 để đảm bảo an toàn và triển khai sửa chữa, cải tạo cầu này thành cầu đi bộ.

Đến nay, đã hơn 4 năm rưỡi trôi qua kể từ ngày cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, tuy nhiên, với những thông tin mới nhất vừa được UBND TP Đà Nẵng cung cấp cho cử tri TP thì vẫn chưa thể biết đến bao giờ cây cầu này mới được đưa vào khai thác trở lại với chức năng là cầu đi bộ!

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP