Du lịch

Đà Lạt đổi thay, để lại cho lòng người nhiều nỗi buồn sâu lắng

Sự thay đổi nhanh chóng và có phần tiêu cực của Đà Lạt khiến nhiều người trẻ, dù không cùng quê hương cũng chia sẻ chung một nỗi buồn man mác.

Vốn được biết đến là “thành phố thư nhàn”, một “tiểu Paris”, Đà Lạt thường được ví như nơi mỗi người lựa chọn ghé thăm khi mệt mỏi, lúc thoáng buồn. Chốn phồn hoa phố thị với những rừng thông bát ngát, không gian mênh mông, thoáng lặng cùng thời tiết lành lạnh, se se của Đà Lạt luôn là những yếu tố kích thích con người ta muốn sống chậm lại, lắng đọng để yêu hơn cuộc đời.

Thế nhưng, những năm gần đây, “thành phố giấu mình trong sương” cũng không tránh khỏi sự xoay vần phát triển của thị trường. Để đến nay, khách du lịch đến Đà Lạt với mong ước “gửi nỗi buồn, xin niềm vui” lại chỉ mang thêm một nỗi buồn sâu lắng, nỗi băn khoăn cho miền đất này. Những bức ảnh trong bài viết Đà Lạt xô lệch và nỗi buồn của thành phố sương đã khiến bạn đọc yêu Đà Lạt không khỏi xót xa, thêm u buồn với sự thay đổi, mất đi giá trị xưa của thành phố ngàn hoa.

Đà Lạt là nơi để sống chậm lại và yêu cuộc đời nhiều hơn. Ảnh: Daddyslittlepeanut83.

Đà Lạt trong ký ức xưa

Người ta nói tới Đà Lạt như một thứ trào lưu tân thời, cứ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ai cũng “trốn lên Đà Lạt”, chỉ mỗi Đà Lạt là không biết trốn đi đâu.

Trước những dư âm đọng vị về mảnh đất cao nguyên đầy kỷ niệm, độc giả Khánh Linh không khỏi xót xa: “Đà Lạt của ngày xưa những tà áo chiều về tan học vương vương hoa Dã Quỳ vàng bên đường, con dốc, hoa hồng và mùi nhựa thông trong gió, hoa đào em ấp ven hồ; giờ là hối hả, là những mất mát khi thoáng trở về ngôi nhà gỗ ngày xưa nay còn đâu…?”.

“10 năm trước thôi, Đà Lạt khác lắm, đẹp lãng mạn đúng như trong thi ca. Còn bây giờ, nơi đây buồn quá, buồn vì Đà Lạt chẳng còn buồn như ngày xưa”, độc giả Cao Thành chia sẻ. Rất nhiều bạn đọc khác cũng bày tỏ ý kiến không còn tìm thấy quá khứ và niềm vui của mình khi đến với thành phố nhỏ của tỉnh Lâm Đồng.

Có lẽ, với những người dân ở TP.HCM, Đà Lạt gần gũi như mảnh vườn riêng để nghỉ ngơi. “Hễ mệt mỏi với nơi Sài thành phố thị, tôi lại tìm đến chốn mộng mơ để trải lòng. Là một người có tình yêu sâu sắc với Đà Lạt, chẳng thể nói tôi không tiếc nuối khi quay lại nơi đây, sau hơn 30 năm xa cách”, Trung Kim (Sài Gòn) chia sẻ.

Đà Lạt của 10 năm trước đẹp và lãng mạn như trong thi ca. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

“Ngày nhỏ, gia đình tôi thường xuyên du lịch Đà Lạt hàng năm, có khi tận 2 lần mỗi năm. Điều đó thành thói quen cho đến năm tôi 34 tuổi. Không biết từ lúc nào, Đà Lạt đã hằn sâu vào tim tôi và trở thành quê hương của một người con Sài Gòn như tôi. Tôi từng có dự định sẽ về Đà Lạt sống sau khi nghỉ hưu. Nhưng dần dần, cảm giác bình yên đã không còn nữa khi mình đến Đà Lạt”, anh kể.

Sự đổi thay của thành phố và những nỗi buồn

Đà Lạt “thật sự thay đổi, không còn những ngôi nhà gỗ mà Đà Lạt đã bị bê tông hóa quá nhiều...” là cảm xúc chung của biết bao độc giả trước sự lột xác nhanh chóng của Đà Lạt, nhất là trong vài năm trở lại đây. Một sự thay đổi này khiến biết bao con người hụt hẫng.

“Không còn cảm giác đang đến thành phố ngàn hoa như trước đây, không còn sự thi vị, tinh khôi mỗi sáng sớm, cũng chẳng còn chút heo hút mù sương mỗi lúc xế chiều; không khí Đà Lạt trở nên ngột ngạt, nóng hơn rất nhiều chứ chẳng còn tiết lạnh se như những ngày xưa”, Ngọc Lâm bày tỏ.

Trong chia sẻ với Zing.vn, Nhung Đoàn, gương mặt nổi bật của giới xê dịch, tâm sự đổi mới là điều cần làm, bởi những căn biệt thự cổ lợp tôn nay đã trở nên lụp xụp. “Thế nhưng, tôi rất buồn vì ngày nay, người ta xây dựng lộn xộn, quy hoạch trễ, thiếu đồng bộ, thống nhất khiến mọi thứ không còn theo lối Pháp xây dựng ngày xưa”, cô nói.

Nhiều thành viên mạng cũng đồng tình với ý kiến trên khi đưa ra các quan điểm về việc các công trình, homestay Đà Lạt ngày càng khiến thành phố trở nên nhếch nhác, thiếu mỹ quan. “Riêng thông chỉ phù hợp với kiểu nhà xưa thôi. Ở thời hiện đại hoá như bây giờ, có lẽ Đà Lạt phải trồng cây khác. Nếu quyết tâm xây dựng và thực hiện ngay từ bây giờ, mọi thứ sẽ sớm ổn định hơn thay vì cứ tranh cãi mãi”...

Nỗi buồn của những du khách thập phương là thế, còn đối với những người con sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, họ cũng chẳng thể vui hơn trước sự đổi thay chóng mặt của quê hương mình. Nếu như gia đình bà Thu (65 tuổi, trú ở đường Phạm Hồng Thái, Đà Lạt) phải thay đổi nếp sinh hoạt, thể dục từ tối qua sáng sớm, cụ Dũng (80 tuổi) phải chọn giờ thưởng cà phê buổi sớm sang sớm hơn, thì Michael Võ, một người con của miền đất cao nguyên, cũng ngậm ngùi không muốn về nhà trong những ngày lễ bởi sự ồn ã của Đà Lạt bây giờ.

“Mình sinh ra lớn lên ở Đà Lạt, gắn bó với nơi đây cũng đã 26 năm. Cách đây 5 năm đổ về trước, mình chưa bao giờ đi xa mà không muốn về vì Đà Lạt yên bình, con người thì hiền hoà. Đến nay, mình thật chẳng muốn trở về những ngày lễ, vì khách du lịch quá đông và cũng mất ý thức”, anh chia sẻ.

Việc xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân địa phương cũng như kẹt xe trên bất kỳ cung đường nào dẫn đến các điểm vui chơi ở Đà Lạt những ngày nghỉ lễ không còn là điều lạ lẫm với mọi người trong thời gian trở lại đây. Những khu chợ đêm, vườn hoa vào ngày nghỉ không tránh khỏi cảnh người người chen lấn.

“Mình từng đi Đà Lạt vào năm 2002. Buổi tối, cả nhóm dạo quanh hồ xuân hương còn sợ ma. 2018 trở lại, mình cũng dạo quanh hồ Xuân Hương nhưng tâm lý giờ chỉ sợ... kẹt xe. Người dân bán được hàng, giàu có hơn thì thích, nhưng thử hỏi mấy ai thích cuộc sống xô bồ, ồn ã vốn không thuộc về nơi nghỉ ngơi thế này?”, thành viên Ngọc Nguyễn trải lòng.

Lạt của ngày nay đã bị bê tông hóa quá nhiều. Ảnh: Imthuytram

Có thể nói, chưa bao giờ “thành phố thư nhàn” lại vướng bận nhiều mối băn khoăn như vậy, cả những lo lắng của người phương xa và cả những nỗi buồn của người con ở lại. Mất đi rừng thông, mất đi những biệt thự cổ kính núp trong những vườn thông tĩnh lặng, những con đường quanh co khúc khuỷu, cái tĩnh lặng của sớm mai, cái hoang vu của núi rừng Đà Lạt rồi sẽ chẳng còn gì.

Bất cứ ai từng ở đó, tận hưởng sự hoang vu của màn đêm trên những cung đường Đà Lạt, tiếp xúc với nét chất phác, mộc mạc của người Lâm Đồng nói chung, người Đà Lạt nói riêng chắc chắn đều có chung một niềm tiếc nuối vô hình, đọng lại trước sự biến đổi ngoài dự tính của một thành phố mù sương.

Chẳng ai phủ nhận sự phát triển tất yếu của nền kinh tế, chẳng ai không muốn quê hương đi lên, nhưng những người yêu Đà Lạt làm sao không trách cứ việc quy hoạch thành phố của chính quyền, trách “cơ chế chính sách lỏng lẻo, không quyết liệt”, trách những khách du lịch đến và đi để lại những đụn rác cùng nỗi buồn, trách hoạt động du lịch tàn phá Đà Lạt và trách Đà Lạt sao chóng thay đổi quá...

Và thế rồi, người với người qua lại trách nhau: Người ở xa trách người Đà Lạt không giữ gìn miền đất này mà chỉ quan tâm thu lợi kinh tế, người Đà Lạt lại trách “người tứ xứ đến rồi xây dựng, xẻ đôi Đà Lạt của chúng tôi ra, các nhà đầu tư bỏ tiền thu lợi nhuận từ Đà Lạt, và những người đến Đà Lạt chơi mà không có ý thức”...

Khu chợ Đà Lạt trở thành một núi rác khổng lồ từ sự vô ý thức của khách du lịch. Ảnh: Tâm Huỳnh.

Cứ vậy, Đà Lạt xoay vòng, vần vũ, tổn thương trong sự phát triển thiếu định hướng và tranh cãi của con người. Thế nhưng, dù trách nhau trong những nỗi lo lắng đến từ nhiều góc nhìn và quan điểm, cộng đồng mạng hơn hết đều lo lắng cho thành phố mù sương. Ai cũng gửi mong muốn Đà Lạt sẽ được quy hoạch đồng bộ và ý thức khách du lịch đến đây nâng cao hơn nữa.

"Đà Lạt sẽ vẫn phải phát triển trong xu thế tất yếu của đất nước và thế giới cũng như từ lực đẩy của thị trường. Tuy nhiên, phát triển theo hướng đi nào cho đúng và bền vững thì đó là trách nhiệm và lựa chọn của con người. Chúng ta đang lấy đi của Đà Lạt một nỗi buồn, và gieo nỗi buồn ấy vào lo lắng của vạn người yêu Đà Lạt", blogger Ngọc Ánh để lời bình.

Tác giả: Khánh Trinh

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Đà Lạt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP