Trong nước

Cục phó An toàn lao động: Đề xuất giờ làm từ 8h30 chưa phù hợp

Ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng cơ quan hành chính phải bố trí để người dân có nhiều thời gian tiếp cận dịch vụ, không nên rút ngắn.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh vừa đề xuất giờ làm việc nên bắt đầu từ 8h30 thay vì 7h30 như hiện nay, kết thúc lúc 17h, thời gian nghỉ trưa kéo dài một giờ đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị.

VnExpress trao đổi với ông Nguyễn Anh Thơ - Cục phó An toàn Lao động, xung quanh đề xuất trên.

Luật không quy định giờ bắt đầu làm việc

- Ông đánh giá thế nào về đề xuất thay thời gian làm việc lên 8h30 và nghỉ trưa một tiếng của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh?

- Bộ Luật lao động đã quy định một ngày làm việc bình thường không quá 8 giờ; không quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, giao quyền quyết định cho người sử dụng lao động.

Hiện việc tổ chức thời gian làm việc ở Việt Nam đang linh hoạt, người sử dụng lao động có quyền chủ động cao. Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thường tổ chức thời gian làm việc theo các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp. Phổ biến ở Việt Nam, thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng từ 7h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h đến 17h.

Ngoài ra, có một bộ phận doanh nghiệp tổ chức lao động theo ca, kíp, do đó thời gian bắt đầu của ca làm việc thường lệch so với thông thường, có thể bắt đầu từ 6h sáng hoặc thời điểm khác trong ngày. Một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế bố trí thời gian bắt đầu làm việc từ 8h30 hoặc 9h sáng và thường sẽ kết thúc ngày làm việc muộn để phù hợp với thời gian làm việc của trụ sở chính hoặc quốc gia, vùng lãnh thổ.

Từ năm 2012, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh thời gian làm việc tại các cơ quan và trường học.

Theo đó, các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở học từ 8h và kết thúc vào 17h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày.

Các cơ quan, tổ chức của trung ương, thành phố, quận huyện, xã phường, thị trấn bắt đầu làm việc vào 8h và kết thúc vào 17h.

Điều chỉnh trên nhằm giảm ách tắc giao thông giờ cao điểm và thuận tiện cho người lao động trong việc chăm sóc, đưa đón con em đi học.

Trên thế giới, nhất là các nước phát triển thì thời gian làm việc được quy định như thế nào?

- Các nước phát triển có xu hướng giảm giờ làm trong tuần, trong ngày. Tuy nhiên, đó mới là dựa trên thống kê chung của ILO không phân biệt khu vực hành chính, sự nghiệp với khu vực lao động bên ngoài nhà nước.

Giờ bắt đầu làm việc của các nước phát triển rất đa dạng theo điều kiện thời tiết và giao thông cũng như văn hóa. Vào mùa đông ở các nước phát triển phía Bắc bán cầu, nhiệt độ rất thấp, tuyết rơi nhiều đi lại rất khó khăn và thời giờ làm việc rút ngắn, do đó thời gian làm việc bắt đầu muộn, thường đến 9 giờ sáng mới bắt đầu.

Còn lại, các nước đang phát triển thường có thời giờ làm việc 8 giờ mỗi ngày, nên cũng bố trí từ 7h30 sáng đến 8h giờ là thời điểm bắt đầu. Thời gian nghỉ trưa ở đa số các quốc gia là một giờ vào buổi trưa trong ngày.

Vào mùa hè năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã giới thiệu chiến dịch làm việc sớm hơn và khuyến khích người lao động tại cơ quan trung ương ở Kasumigaseki, Capitol Hill Tokyo, bắt đầu làm việc từ 7h30 sáng đến 8h30 và ra về lúc 5h chiều để người lao động có thể dành thời gian cho gia đình và các hoạt động riêng tư.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề đổi giờ làm phải đánh giá tác động cụ thể. Ví dụ, tác động về mặt xã hội, giao thông, hiệu quả công việc thế nào? Giờ làm việc và giờ nghỉ trưa cũng phải xem xét cụ thể vì đối tượng lao động khối hành chính khác, người lao động trực tiếp lại khác.

"Phải nghiên cứu bài bản, khoa học và đánh giá tác động cả về kinh tế - xã hội và yếu tố tác động đến năng xuất lao động", ông nói.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề đổi giờ làm phải đánh giá tác động cụ thể. Ví dụ, tác động về mặt xã hội, giao thông, hiệu quả công việc thế nào? Giờ làm việc và giờ nghỉ trưa cũng phải xem xét cụ thể vì đối tượng lao động khối hành chính khác, người lao động trực tiếp lại khác.

"Phải nghiên cứu bài bản, khoa học và đánh giá tác động cả về kinh tế - xã hội và yếu tố tác động đến năng xuất lao động", ông nói.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP