Xã hội

Chuyện những y bác sĩ phải tự cách ly suốt Tết khi “trực chiến” dịch corona

Chiều 30 Tết khi mọi người đang hối hả trở về gia đình thì gần 30 y, bác sĩ Khoa bệnh Nhiệt đới (BV ĐK tỉnh Thanh Hóa) lại phải nỗ lực cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus nCoV.

Cái Tết đáng nhớ

Phải đón Tết một mình, cách ly với người thân, luôn trong cảm giác nơm nớp so sợ… đó là những gì mà nhiều y bác sĩ Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa phải nếm trải.

Sau khi bệnh nhân N.T.Tr. (25 tuổi, quê huyện Yên Định, Thanh Hóa) trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) nhập viện trong tình trạng sốt, đau ngực và ho, các bác sĩ của khoa phải gác lại niềm vui đoàn tụ cùng gia đình trong ngày cuối năm.

Những "chiến binh" chống dịch nCOV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Tr. như bác sĩ Trịnh Thị Tuyết Lan, điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý, điều dưỡng Lê Thị Mai, Lê Thị Thu Hải… và các đồng nghiệp ban đầu không khỏi lo âu bởi không chỉ đây là ca bệnh nghi nhiễm virus Corona đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa mà bệnh này chưa có phác đồ điều trị, cũng chưa có thuốc đặc trị. Đặc biệt, số ca chết vì nCoV trên thế giới ngày càng tăng và tốc độ lây lan một cách chóng mặt.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý cho biết, tiếp xúc với những ca bệnh truyền nhiễm là công việc thường ngày của các y, bác sĩ của khoa nên khi tiếp xúc với những ca bệnh nguy hiểm, họ ý thức được và cố gắng phòng hộ cho bản thân, đồng nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, vì những hiệu ứng nóng của dịch bệnh nCoV nên nhiều người đã lo lắng, tránh mặt, sợ… mỗi khi nhìn thấy những y, bác sĩ này.

Miệt mài chăm sóc cho bệnh nhân.

“Mấy ngày đầu cũng buồn lắm nhưng dần cũng quen. Tôi nghĩ mình phòng tránh cho người nhà, người quen nên Tết này ngoài lên khoa thì tôi cũng không đi đâu. Cố gắng phòng hộ tốt nhất khi tiếp xúc với bệnh nhân, khử khuẩn bản thân trước khi về nhà hoặc hạn chế tiếp xúc với bố mẹ già, con nhỏ vì sức đề kháng của họ yếu hơn mình…” - điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý chia sẻ.

Cũng chính chị, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân N.T.Tr đến mùng 3 Tết có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, mặt mũi sưng vù, sốt nhẹ… cũng lo bị phơi nhiễm. Bản thân chị đã làm các xét nghiệm cúm A, B nhưng đều cho kết quả âm tính nên cũng đang rất lo lắng.

Biết đó là công việc, là nhiệm vụ nhưng cũng có lúc những y bác sĩ này cũng không tránh khỏi tủi thân. Như điều dưỡng Nguyễn Thị Hường thì 30 Tết Canh tý chính là năm đầu tiên chị đón giao thừa một mình.

Chiều hôm đó, ngay sau khi biết tin khoa tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, chị Hường đã thông báo cho gia đình biết, sau đó chị quyết định để chồng con về quê ăn Tết cùng nội, ngoại, còn mình ở lại thành phố và sẵn sàng trở lại bệnh viện khi có lệnh điều động.

“Đêm 30 Tết, hết ca trực về nhà, thấy quanh nhà mình hàng xóm đèn điện lung linh, vui nhộn, trong khi nhà mình vắng lặng. Thắp nén nhang cúng giao thừa xong, ăn tạm lát bánh chưng cho đỡ đói mà thấy tủi thân, chưa bao giờ tôi phải đón một cái Tết như thế ”- chị Hường tâm sự.

Niềm vui vỡ òa...

Đúng 10 ngày sau, niềm vui vỡ òa đối với cả hệ thống y tế Thanh Hóa, Khoa bệnh Nhiệt đới cũng như bệnh nhân khi ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đầu tiên ở Thanh Hóa đã chính thức cho kết quả âm tính và được xuất viện sau thời gian cách ly, điều trị.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chúc mừng bệnh nhân xuất viện.

Theo điều dưỡng Lê Thị Thu Hải, chiều ngày 2/2, sau khi nhận được thông báo bệnh nhân T. đã âm tính với nCoV, chúng tôi rất vui, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Bởi, để có được kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi của nhân viên, y, bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới.

“Quá trình điều trị cho bệnh nhân N.T.T. và những trường hợp sau đó, chúng tôi cố gắng động viên, tạo cho người bệnh tâm lý thoải mái giống như đang ở nhà. Điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị, giúp bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh”- chị Hải tâm sự.

Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Những ngày qua, Bệnh viện đã sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị vật tư y tế cũng như tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế trong khoa, phòng về phác đồ chẩn đoán, điều trị; phối hợp với các đơn vị khác của ngành Y tế để giám sát các ca bệnh cũng như phòng ngừa, chống lây lan trong cộng đồng”.

Chia sẻ về kinh nghiệm chữa thành công bệnh nhân dương tính với virus Corona chủng mới, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, phải theo dõi, áp dụng tất cả kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện, điều trị sớm.

Trong đó, cách ly sớm là vấn đề rất quan trọng trong điều trị dịch bệnh nCoV và áp dụng phương pháp chăm sóc, điều trị tích cực. Bệnh nhân nhiễm virus cấp tính nên nếu sức đề kháng kém, sẽ khó khăn trong điều trị. May mắn thể trạng bệnh nhân N.T.Tr và 5 bệnh nhân còn lại đều tốt, không có bệnh mãn tính. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp cho việc điều trị thành công.

“Trong phác đồ điều trị, chúng tôi sử dụng kháng sinh để phòng, chống bội nhiễm và không để xuất hiện những triệu chứng, biến chứng khác. Ngoài ra cần hướng dẫn bệnh nhân chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không kiêng khem, bổ sung thêm hoa quả tươi và uống sữa để nâng cao thể trạng cũng như sức đề kháng. Nhờ đó, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã có những chuyển biến tốt. Các xét nghiệm lần hai đã khẳng định bệnh nhân âm tính với virus nCoV” - bác sĩ Đỗ Xuân Tiến cho biết thêm.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: dịch coronavirus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP