Giáo dục

Chủ biên chương trình Ngữ văn nói về đề xuất loại 'Chí Phèo' khỏi SGK

Trước đề xuất của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền về việc loại tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK ngữ văn lớp 11, ông Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình SGK môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cho biết tác phẩm Chí Phèo vẫn nằm trong danh mục gợi ý của dự thảo chương trình môn Ngữ văn.

Thưa ông, trước đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK Ngữ văn lớp 11 hiện hành, với cương vị là chủ biên môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ông nghĩ sao về đề xuất này?

Ông Đỗ Ngọc Thống: Đó chỉ là ý kiến của một cá nhân đang làm Nghiên cứu sinh. Những người làm chương trình quốc gia môn Ngữ văn có nhiệm vụ lắng nghe tất cả các ý kiến của mọi tầng lớp trong xã hội, kể cả các ý kiến khó nghe nhất, phát biểu chẳng có căn cứ thuyết phục gì hết. Còn việc quyết định có đưa hay không đưa tác phẩm Chí Phèo vào chương trình và SGK mới là chuyện của cả một tập thể, có tham khảo ý kiến rộng rãi của nhiều tầng lớp khác nhau và có ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia nên không có gì phải băn khoăn cả.

Còn với cương vị là một giáo viên dạy văn, quan điểm của ông trước đề xuất của nghiên cứu sinh Sóng Hiền là gì?

Ông Đỗ Ngọc Thống: Ý kiến ấy xét về yêu cầu cần có quan điểm riêng trong tiếp nhận tác phẩm thì có thể coi đó cũng là một cách hiểu, một cách tiếp nhận có“quan điểm riêng”, gọi là có“chủ kiến”. Chỉ có điều cách hiểu và ý kiến riêng ấy khó chấp nhận hay nói thẳng ra là vớ vẩn. Trong nhà trường chúng ta khuyến khích học sinh có ý kiến riêng, cách hiểu riêng, nhưng không phải là muốn hiểu thế nào, muốn có ý kiến thế nào cũng được; mà các ý kiến riêng ấy phải có cơ sở, có sức thuyết phục, dựa trên những nguyên tắc tiếp nhận nghệ thuật.

Trong chương trình môn Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới, Bộ GD&ĐT có dự kiến đưa tác phẩm văn học này của Nam Cao vào Chương trình và SGK không, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Thống: Trong dự thảo Chương trình Ngữ văn mới đã hoàn thành, chuẩn bị đưa lên mạng xin ý kiến rộng rãi, việc quy định Ngữ liệu, văn bản được xác định theo một cách làm mới. Cụ thể là, chương trình chỉ yêu cầu 6 tác phẩm quan trọng, bắt buộc; tất cả các tác phẩm còn lại chỉ nêu trong một danh mục gợi ý giúp các tác giả SGK và giáo viên hình dung ra đề tài, kiểu loại văn bản và mức độ khó theo từng lớp và nhóm lớp; không bắt buộc. Trong danh mục gợi ý ấy có tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Tất nhiên đây chỉ mới là chương trình dự thảo, sẽ lấy kiến công luận và phải thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia nữa.

Với một tác phẩm văn học, những yếu tố nào quyết định đến việc nó được đưa vào chương trình giảng dạy, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Thống: Đưa một tác phẩm văn học vào chương trình giảng dạy phụ thuộc vào khá nhiều tiêu chí của ban biên soạn từng thời kỳ. Với chương trình Ngữ văn mới sắp thay đổi, chúng tôi nêu lên các tiêu chí cơ bản như:

Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh ở từng lớp học, cấp học; giúp học sinh có hứng thú đọc văn.

Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ.

Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc như tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia, tính nhân văn, lòng nhân ái, khoan dung,… và những giá trị phổ quát của nhân loại.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: GIANG HẠ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP