Tin địa phương

Chở thi thể công nhân trong cốp xe: Trách nhiệm của Mecoco hay CONDO 2?

Vụ một nam công nhân rơi từ tầng 17 tại một toà nhà ở Đà Nẵng xuống đất tử vong, sau đó thi thể được bỏ vào cốp xe chở ra Huế khiến người thân nạn nhân vô cùng bức xúc.

Bỏ xác vào cốp xe

Người nhà anh Hoàng Trọng D. (SN 1981, trú đường Nguyễn Nhữ Hải, phường Thủy Xuân, TP Huế, Thừa Thiên Huế) cho biết, khoảng 18h30 ngày 24/5, cả nhà hoảng hốt khi tiếp nhận thi thể của anh D. từ 2 người đàn ông đi ô tô 4 chỗ BKS 43A-500.92. Hai người này cho biết, anh D. rơi từ công trình tổ hợp khách sạn Condo 2 tử vong.

Tối 25/5, thượng tá Kiều Văn Vương - Phó Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thông tin về vụ việc trên. Theo thượng tá Vương, Cơ quan điều tra đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi liên quan đến vụ nam công nhân rơi từ tầng 16 tại công trình tổ hợp khách sạn Condo 2 nằm trên đường Võ Nguyên Giáp.

Thời điểm xảy ra vụ tai nạn lao động, chủ đầu tư đã không báo cơ quan chức năng.

Nạn nhân tử vong được chở bằng cốp xe ô tô từ Đà Nẵng ra Huế

Cũng theo thượng tá Kiều Văn Vương, anh D. là thầu điện ở công trình tổ hợp khách sạn Condo 2 và gọi nhân công ở quê vào làm. Khi thấy anh D. tử vong, những người làm cùng đã thuê xe Grab đưa nạn nhân ra nhà. Công an đã mời nam lái xe lên làm việc, người này cho biết nhận chở với giá 1,5 triệu đồng.

Trong khi đó, đại tá Trần Mưu - Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo Công an quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế điều tra, làm rõ vụ việc.

Theo tìm hiểu, tổ hợp khách sạn CONDO 2 có chủ đầu tư là Công ty CP Khách Sạn và Du Lịch Thiên Thai (Ariyana Real Estate), thành viên của tập đoàn Sovico Holdings. Đơn vị thi công là Công ty CP Kiến trúc tư vấn quản lý Đông Dương.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo thông tin người nhà nạn nhân Hoàng Trọng D. xác nhận, những người xưng là đại diện cho đơn vị thi công đến làm việc với gia đình, nêu ý kiến sẽ hỗ trợ gia đình 200 triệu đồng để lo ma chay cho D. nhưng gia đình kiên quyết từ chối.

Theo gia đình nạn nhân, những người xưng là đại diện đơn vị thi công cũng gửi lời thăm hỏi, động viên đến gia đình về sự cố đáng tiếc khiến anh D. tử vong. Người xưng là đại diện công ty CP cơ điện Mecoco ra Huế gồm ông Văn Công Thành - Chỉ huy trưởng công trình, cán bộ giám sát công trình và một số người có trách nhiệm trong công ty.

Đại diện gia đình anh D. cho biết, những người tự xưng là đại diện của công ty CP cơ điện Macoco nói trước mắt xin hỗ trợ gia đình 100 triệu đồng, sau đó là 200 triệu đồng nhưng gia đình không đồng ý.

Hiện tại, gia đình không muốn nhận số tiền hỗ trợ bao nhiêu mà cần cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công liên quan đến cái chết bất thường của D.

Công trình nơi anh D. tử vong

Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Có lẽ đây là một vụ việc rất bất ngờ và bàng hoàng đối với gia đình nạn nhân. Bất ngờ bởi chỗ không ai nhận lại người nhà, người thân trong hoàn cảnh như thế này, khi đi làm thì là một con người khỏe mạnh, khi nhận lại là một xác chết không nguyên vẹn.

Khi chứng kiến người của công ty đưa thi thể người thân của mình về nhà bằng việc cho vào cốp sau xe ô tô như chở một món đồ như vậy thì gia đình sẽ không khỏi bàng hoàng, bức xúc đối với cách đối xử của công ty này đối với người lao động. Chưa biết vụ việc sẽ giải quyết đến đâu, tuy nhiên thái độ ứng xử của công ty này đối với người lao động như vậy là thiếu tình người, không khỏi dư luận bức xúc.

Hành vi chở thi thể nạn nhân từ hiện trường vụ tai nạn về nhà nạn nhân bằng việc để trong cốp sau xe ô tô như vậy là thiếu tôn trọng, không phù hợp với văn hóa, đạo đức, truyền thống của người Việt Nam. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ quá trình vận chuyển thi thể, những người này có hành vi xâm phạm thi thể hay không. Nếu hành vi xâm phạm thi thể như quăng quật, coi thường xác của nạn nhân đến mức nghiêm trọng thì hành vi này có thể xem xét về tội xâm phạm thi thể theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ sự việc tai nạn lao động xảy ra như thế nào. Đơn vị thi công có thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn lao động cho người lao động hay không. Người lao động tuyển dụng đúng chuyên môn hay không? có hợp đồng hay không? có được tập huấn về nghiệp vụ hay không? có dụng cụ bảo hộ lao động hay không? việc thi công công trình có đảm bảo điều kiện an toàn hay không...?

Trong trường hợp, có căn cứ cho thấy đơn vị thi công đã vi phạm quy định về đảm bảo an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng cần tạm đình chỉ thi công công trình này để đảm bảo an toàn. Đồng thời, người có chức trách, nhiệm vụ quan trọng đối với công trình này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.

Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đơn vị thi công đã không đảm bảo an toàn lao động dẫn đến hậu quả tai nạn chết người thì người có trách nhiệm trong vụ việc này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù theo quy định tại điều 295 bộ luật hình sự.

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tác giả: Xuân Diệp

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP