Bước vào tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 29-10, QH thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Không lựa chọn "cứng"
Cùng đó, QH sẽ thảo luận dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính - ngân sách quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu (ĐB) QH nêu.
Từ ngày 30-10 đến 1-11, QH dành 3 ngày để chất vấn, trả lời chất vấn và đều được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng sẽ trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH về việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5.
Sau khi nghe các báo cáo, ĐBQH sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao quanh việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV. QH tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan.
Chiều 1-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 45 phút phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Như vậy, người đứng đầu Chính phủ sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn trước QH. Ngoài ra, vì đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên trong hoạt động chất vấn, QH sẽ không lựa chọn "cứng" danh sách các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề như các kỳ họp thông thường.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) trong một lần chất vấn tại nghị trường. Ảnh: VĂN BÌNH |
Động lực phát triển
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cách thức chất vấn lần này dựa trên kinh nghiệm của các kỳ họp trước, đó là đặt câu hỏi và trả lời ngay, không chờ nhiều ĐB hỏi một lượt rồi mới trả lời. Ngoài ra, chất vấn sẽ không đi theo nhóm vấn đề như trước mà đi thẳng vào vấn đề ĐB quan tâm, thấy cần thiết thì người có trách nhiệm phải trả lời ngay.
Ông Lợi nhấn mạnh rằng chất vấn cần đi tới tận cùng vấn đề. Tất nhiên, không phải vấn đề nào cũng đưa ra chất vấn mà ĐB thấy vấn đề nào bức bách thì đặt ra. Người trả lời, ngoài việc giải đáp còn phải xử lý hoặc đưa ra hướng xử lý vấn đề ĐB chất vấn, nếu không thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Những vị bộ trưởng nào trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua có nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" nhất thì chắc chắn những vấn đề bức xúc ở bộ, ngành đó sẽ được nhiều ĐB đặt ra để giải quyết. "Chất vấn không phải đưa ra để nói nặng nhau hay có xung đột gì, mà vì sự mong mỏi của người dân; vì sự phát triển chung của đất nước, cho nên phải xem đó là động lực cho sự phát triển" - ông Lợi nhìn nhận.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Trưởng Ban Dân nguyện, cho biết trong chất vấn tại kỳ họp này sẽ không có các nhóm vấn đề cụ thể hay bộ trưởng, trưởng ngành được đưa ra để chất vấn và trả lời chất vấn. Chất vấn giữa nhiệm kỳ là nhằm xem xét việc thực hiện các nghị quyết của QH cũng như rà lại việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng tại các kỳ họp trước.
"Tôi cho đây là hình thức rất hiệu quả và mang tính chất hậu giám sát việc thực hiện lời hứa" - ĐB Nguyễn Thanh Hải bày tỏ và nhấn mạnh điều này giúp cho các kiến nghị của cử tri, các chất vấn của các ĐB đối với các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ được thực hiện sớm hơn. Với hình thức chất vấn này, các bộ trưởng cũng sẽ phải rà soát lại công việc của mình thông qua góc nhìn của cử tri và ĐB.
Đồi hỏi phối hợp liên ngành Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM), việc đổi mới hình thức chất vấn như kỳ họp này là rất cần thiết, bởi những vấn đề mà xã hội quan tâm hiện nay là những vấn đề liên ngành, liên vùng. Do đó, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành. Ví dụ, xuất khẩu nông sản thì không chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết mà cần có sự vào cuộc của Bộ Công Thương. Cho nên, nội dung chất vấn kỳ này không chỉ dành cho một bộ mà nhiều bộ liên quan đều phải trả lời. "Tôi quan tâm đến vấn đề điểm nghẽn trong giao thông hiện nay; vấn đề giải ngân vốn trong đầu tư công để tránh việc dở dang những dự án, nhất là các công trình giao thông lớn như đường cao tốc Bắc - Nam. Tôi cũng quan tâm đến vấn đề nông nghiệp. Dù nông nghiệp Việt Nam có khởi sắc nhưng đời sống của nông dân vẫn rất cùng cực, khó khăn. Vậy giải pháp nào để chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có người dân vùng nông thôn, bởi hiện có 60% người dân sống ở nông thôn và 40% người dân vẫn đang làm nông nghiệp?" - ông Ngân nhấn mạnh. |
Tác giả: Văn Duẩn
Nguồn tin: Báo Người lao động