Trong nước

'Quốc hội cần làm hết việc chứ không phải làm hết giờ'

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng khi bàn thảo nội dung quan trọng, còn nhiều ý kiến, Quốc hội nên làm việc cả buổi tối.

Hôm nay, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV khai mạc. VnExpress trò chuyện với đại biểu Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về những cải tiến của kỳ họp này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QH

- Kỳ họp Quốc hội lần này thay đổi cách thức chất vấn theo dạng "hỏi nhanh đáp gọn". Thay đổi này có lợi ích như thế nào thưa ông?

- Trong thời đại 4.0, Quốc hội cũng phải thay đổi để thích ứng, làm sao sử dụng thời gian làm việc hiệu quả nhất. Chất vấn được cải tiến theo hướng hỏi nhanh đáp gọn, tức là đại biểu hỏi 1 phút, thành viên Chính phủ trả lời 3 phút, cứ 3 người hỏi thì người được hỏi trả lời, như vậy là rất tốt.

Thời gian hỏi đáp cố định yêu cầu đại biểu phải hỏi ngắn gọn, rõ ý, người trả lời cũng phải nhanh, không lòng vòng mà tập trung làm rõ nội dung câu hỏi. Khi đại biểu chưa hài lòng thì được quyền hỏi lại, đảm bảo được chất vấn đến cùng.

Cách làm này sẽ hiệu quả hơn trước khi hàng loạt đại biểu hỏi rồi thành viên Chính phủ mới trả lời. Những câu trả lời chung cho các câu hỏi, hoặc người được chất vấn bỏ quên nội dung khiến các đại biểu chưa hài lòng.

- Thực tế những kỳ họp trước, dù còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp Quốc hội vẫn nghỉ vì hết giờ hành chính. Ông nghĩ thế nào về đề xuất làm hết việc chứ không phải làm hết giờ?

- Tôi cho rằng rất nên đi theo hướng đó. Những vấn đề nóng, cử tri quan tâm thì cần phải được chất vấn đến cùng. Quốc hội cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, có thể họp luôn buổi tối.

Vừa qua, các uỷ ban cũng đã họp buổi tối, những đại biểu còn lại thì có thời gian xem tài liệu chuẩn bị cho nội dung họp ngày mai. Tôi đồng tình việc thay đổi cách làm nhưng cần sắp xếp một cách logic.

- Còn vấn đề gì khác mà ông cho rằng cần thay đổi?

- Sau khi lấy ý kiến cử tri về các vấn đề cử tri quan tâm, Quốc hội có thể chất vấn một nội dung nóng nhất, nhưng phải giải quyết triệt để với nhiều Bộ cùng tham gia giải đáp.

Một hướng đi nữa mà chúng ta có thể xem xét là chia thành tổ chất vấn ở các phòng họp khác nhau, với nội dung chất vấn khác nhau như vấn đề quy hoạch, quản lý đô thị, kinh tế, tài chính, ngân sách... Khi đó đại biểu có thể tập trung vào lĩnh vực phụ trách, am hiểu để chất vấn cụ thể.

Việc chất vấn phải diễn ra thường xuyên trong suốt năm chứ không chỉ 2 kỳ họp. Ví dụ khi có vấn đề quy hoạch đô thị, Quốc hội mời Bộ trưởng đến để đại biểu chất vấn. Hay gần đây việc tăng thuế môi trường với xăng dầu, dù bị dư luận phản ứng dữ dội nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên quyết đề xuất Chính phủ tăng thuế kịch khung để đảm bảo nguồn thu, vấn đề này cần tổ chức chất vấn để Chính phủ giải trình rõ.

Tôi xin nhắc lại, hoạt động Quốc hội không theo giờ hành chính, trước bức xúc của nhân dân phải tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn ngay.

- Nhiều nước phát trực tiếp toàn bộ nội dung làm việc của Quốc hội - cơ quan dân cử cho cử tri theo dõi. Vậy Quốc hội Việt Nam nên áp dụng thế nào?

- Tại kỳ họp này, dù chỉ làm việc 20 ngày với khoảng 40 phiên nhưng sẽ có 15 phiên họp toàn thể (chiếm 40%) được truyền hình trực tiếp, trong đó, có nội dung như: giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)… Thời lượng truyền hình trực tiếp đã tăng lên so với trước đây.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, Quốc hội là cơ quan dân cử nên quá trình họp người dân phải được theo dõi trực tiếp. Khi Quốc hội thực hiện đúng nguyên tắc công khai, minh bạch thì người dân sẽ tin tưởng, sẽ chống được lợi ích nhóm.

- Trung ương đang tích cực phanh phui tham nhũng, Quốc hội với chức năng giám sát có thể phát huy như thế nào trong vấn đề này?

- Tôi cho rằng Quốc hội phải tăng cường công tác làm luật, ban hành luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng phải tăng cường giám sát để đảm bảo việc thực thi pháp luật được đúng.

Giải thích về thời gian làm việc của Quốc hội Kỳ họp này là ngắn nhất từ đầu khoá, chỉ 20 ngày, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết là do một số nội dung không bảo đảm chất lượng, tiến độ. Điều này cũng có nghĩa là áp lực công việc sẽ dồn sang kỳ họp sau.

Theo ông Phúc, bên cạnh các nghị quyết chuyên đề, Quốc hội kỳ 5 sẽ ban hành một nghị quyết chung để “gom” các vấn đề phát sinh, không nằm trong nội dung của các nghị quyết về kinh tế - xã hội, giám sát, chuyên đề…

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP